Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Các dự án yếu kém ngành công thương chuyển biến tích cực

Chiều 26/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý yếu kém, tồn tại của 12 dự án, nhà máy ngành công thương đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo đánh giá 1 năm thực hiện nhiệm vụ.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Thành Chung

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành thuộc Chính phủ và 4 tập đoàn, tổng công ty có dự án, nhà máy yếu kém là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty Giấy và Tổng công ty Thép Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá việc triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/9/2017 phê duyệt Đề án xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ ngành công thương. Theo đó, mục tiêu đánh giá là việc hỗ trợ các dự án, nhà máy có khả năng quay trở lại sản xuất theo các cơ chế thị trường, kiên quyết xử lý các dự án không thể cứu vãn và xử lý nghiêm khắc trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan tới các yếu kém.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo chi tiết, khách quan kết quả ban đầu, sự chuyển biến của các dự án, nhà máy so với tiến độ đặt ra. “Về sơ bộ, có thể thấy nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các dự án của Tập đoàn Hoá chất, như DAP Đình Vũ bắt đầu có lãi, Công ty Thép Việt-Trung từ thua lỗ triền miên đã có lãi hàng chục tỷ đồng năm 2017...”, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo làm rõ các khó khăn vướng mắc trong xử lý các tranh chấp hợp đồng EPC với các nhà thầu, xử lý các khó khăn về tài chính trên cơ sở chia sẻ lợi ích các bên liên quan như ngân hàng, nhà đầu tư; các vấn đề về công tác thanh tra, kiểm toán... để tiếp tục thực hiện, tạo chuyển biến của các dự án, nhà máy trong năm 2018.

Bức tranh 12 dự án, nhà máy yếu kém đã sáng sủa hơn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, nhóm các nhà máy nhiên liệu sinh học (của PVN) đang khởi động lại và có sản phẩm tiêu thụ trong tháng 3/2018. Cũng trong tháng 3, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) sẽ vận hành lại phân xưởng sợi vì nhà máy vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị trong nước. Còn việc vận hành toàn bộ Nhà máy PVTex này thì PVN đang xem bản chào của 3 công ty nước ngoài và trong nước để quyết định triển khai. Từ nay tới hết quý II/2018, các bên sẽ thống nhất phương án hợp tác để vận hành toàn bộ nhà máy.

Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết thêm khi vận hành phân xưởng sợi và thống nhất xong phương án hợp tác thì sẽ mất 3-6 tháng vận hành toàn bộ PVTex. Hiện nay, các đối tác của PVTex mong muốn Chính phủ cam kết bảo đảm quyền lợi của họ trong quá trình hợp tác, áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu polyester, bảo đảm nguồn điện ổn định tại khu công nghiệp Đình Vũ...

Vẫn theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Công ty đóng tàu Dung Quất DQS đang thuê đơn vị triển khai quyết toán, kiểm toán hợp đồng EPC. Bên cạnh đó, Dự án tàu 104.000 tấn chưa quyết toán được giá trị và đang triển khai tiếp nhận. Ngoài ra, DQS cũng đang thanh lý tài sản không cần thiết để phục vụ sản xuất. Theo ông Vượng, do DQS có nhiều tài sản đầu tư có giá trị cao, khấu hao lớn nên đơn vị này kinh doanh khó khăn, nếu được giãn khấu hao thì DQS hoạt động vẫn có lãi.

Đối với các dự án, nhà máy của Tập đoàn Hoá chất, Nhà máy DAP Đình Vũ có lãi 16 tỷ đồng trong năm 2017, 2 tháng đầu năm 2018 đã lãi 66 tỷ đồng. Nguyên nhân DAP Đình Vũ chuyển từ lỗ sang lãi là tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí 80 tỷ đồng (năm 2017) so với trước đây và thị trường DAP nóng hơn các năm trước. Ba nhà máy đạm còn lại (DAP Lào Cai, đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc) đang duy trì sản xuất, giá bán cao hơn chi phí nên lỗ giảm đi. Các nhà máy này có tồn tại lớn là giải quyết tranh chấp, quyết toán nhà thầu còn khó khăn.


Ảnh: VGP/Thành Chung

Đối với Tổng công ty Thép, Nhà máy Gang thép Lào Cai đã hoàn thành sửa đổi điều lệ liên doanh, hợp đồng liên doanh với đối tác Trung Quốc và 2 bên ký kết Hợp đồng và Điều lệ liên doanh mới vào ngày 28/12/2017. Dự án mỏ Quý Sa đã tiêu thụ được 2,58 triệu tấn quặng, có lãi hơn 423 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay việc khai thác ở mỏ Quý Sa vừa sử dụng trong nước vừa xuất khẩu thì tình hình không khó khăn nữa.

Tổng công ty Thép cũng đang xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty Thép Thái Nguyên Tissco và Bộ Công Thương đã chấp thuận phương án. Dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn đúng kế hoạch đề ra trong năm 2018. Việc thoái vốn thành công sẽ thúc đẩy đàm phán tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu thực hiện Dự án giai đoạn 2 của Tissco.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được mang ra bán đấu giá lần đầu với giá trị 1.800 tỷ đồng. Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, mới đây Bộ Công Thương cho phép tiếp tục đấu giá lần thứ 2 giảm 10% giá trị so với lần đầu. Nếu không ai mua thì giảm tiếp 10% trong lần đấu giá thứ 3. Sau lần này mà không tìm được nhà đầu tư mua lại dự án thì phải định giá lại nhà máy.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, bên cạnh các thuận lợi khi nhiều dự án đã có chuyển biến trong đàm phán với các nhà thầu, khởi động lại sản xuất để giảm lỗ thì 12 dự án này gặp khó khăn chung là chưa được các tổ chức tín dụng giãn, khoanh nợ, xử lý khấu hao của các dự án đang vận hành. “Nếu được giãn nợ, khoanh nợ và giảm khấu hao thì các dự án sẽ hoạt động tốt”, ông Vượng nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn PVN Trần Sỹ Thanh cho biết các nhà máy, dự án của PVN như PVTex đang gặp khó khi không được dùng tiền ngân sách, kể cả tiền của PVN để “cứu” các nhà máy, dự án yếu kém. Ông Thanh đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo cho phép PVN được dùng tiền của Tập đoàn với tư cách là các nhà đầu tư để chi trả hoạt động của các nhà máy với thời gian thu hồi vốn được xác định rõ. Ông Thanh cũng cho rằng nên áp dụng cơ chế này cho các dự án, nhà máy khác đang thiếu vốn để khởi động lại sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Thanh đồng tình với việc xử lý nghiêm minh các sai phạm của các cá nhân liên quan tới tình trạng thua lỗ, chậm tiến độ nhưng cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, công bố vào các thời điểm thích hợp, không làm ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả khắc phục hoạt động của các nhà máy.

Chính phủ kiên quyết không dùng ngân sách để cứu dự án

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nguồn lực từ ngân sách, tín dụng Nhà nước sẽ không có để cứu các dự án, nhà máy yếu kém này. Đối với đề nghị của Chủ tịch PVN sử dụng vốn của Tập đoàn này để vực dậy các dự án, Phó Thủ tướng cho biết còn đang vướng quy định của Luật số 69, Bộ Công Thương cần đề xuất tới Thường trực Chính phủ xem xét, làm rõ quy định việc đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Qua hơn một năm quyết liệt xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà máy đang “đắp chiếu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Ban chỉ đạo, các bộ, ngành đã xử lý được nhiều việc về đánh giá các vướng mắc, khó khăn pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ dự án theo cơ chế thị trường, xác định và xử lý nghiêm các sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan.

“Nhờ nỗ lực của Bộ Công Thương, các Tập đoàn và Tổng công ty, sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, bức tranh của 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ đã khả quan, sáng sủa hơn, các dự án đã có các phương án xử lý và đang triển khai”, Phó Thủ tướng đánh giá, nhưng cũng cho rằng kết quả mới chỉ là bước đầu khi còn những khó khăn nổi lên như việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, quyết toán các dự án, khó khăn trong thu xếp vốn lưu động... để tập trung giải quyết hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản trong xử lý các dự án.

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương tổng hợp các báo cáo liên quan của các bộ, ngành để xây dựng báo cáo chung trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.


Theo Thành Chung/Chinhphu.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét