Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Cần sớm xử lý các vi phạm về quản lý và sử dụng đất tại hồ Ba Bể

Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể có giá trị về địa chất địa mạo, chung quanh là rừng tự nhiên trên núi đá với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu trong lành, nguồn nước không bị ô nhiễm luôn hấp dẫn du khách và là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Bắc Cạn. Tuy nhiên, di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng, cảnh quan dần bị phá vỡ bởi tình trạng xây dựng nhà ở, nhà nghỉ trái phép.


Một số căn nhà cao tầng xây dựng trái phép sát mặt hồ Ba Bể (khu vực thôn Cốc Tộc).

Lấn chiếm đất, xây dựng trái phép

Cốc Tộc và Bó Lù là hai thôn thuộc xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể), nằm lọt trong vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể. Do quản lý lỏng lẻo, thậm chí sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của chính quyền huyện Ba Bể và Vườn quốc gia Ba Bể, thời gian qua một số cá nhân ở hai thôn này đã lấn chiếm đất rừng đặc dụng, xây dựng nhà nghỉ, nhà ở trái phép làm biến dạng cảnh quan di tích.

Mặc dù không được phép chuyển nhượng đất đai trong vùng đệm, vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể cho người sinh sống ở ngoài khu vực nhằm giảm áp lực về dân số đối với hồ Ba Bể, nhưng ông Nguyễn Văn Viện, cư trú ở tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể vẫn mua của người dân địa phương 1.087 m2 đất trồng cây hằng năm ở thôn Cốc Tộc. Nghiêm trọng hơn, ngày 5-11-2015, UBND huyện Ba Bể cấp sổ đỏ cho ông Viện, trong đó cho phép chuyển đổi 200 m2 làm đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm sai quy định hiện hành.

Trên diện tích được cấp sổ đỏ, năm 2016 ông Viện xây dựng ba nhà sàn bê-tông cốt thép, đồng thời còn lấn chiếm hơn 500 m2 đất rừng đặc dụng Vườn quốc gia Ba Bể đang quản lý để xây dựng năm nhà sàn bê-tông, tất cả đều với mục đích làm nhà nghỉ và đều không có giấy phép xây dựng theo quy định.

Tương tự, UBND xã Nam Mẫu quản lý khu đất có diện tích 294 m2 tại thôn Bó Lù, phía sau giáp mặt hồ Ba Bể, phía trước giáp đường vòng quanh hồ Ba Bể, nhưng đầu năm 2017 bà Triệu Thị Xuyến ở thôn Bó Lù đã lấn chiếm, sử dụng đất này để xây dựng một nhà bê-tông cốt thép hai tầng, không hề có giấy phép xây dựng. Gần đối diện với những căn nhà của ông Viện, ông Nguyễn Văn Từ ở thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu có khu đất 647 m2 sát hồ Ba Bể, trên khu đất này ông Từ xây dựng căn nhà bê-tông cốt thép ba tầng không phép, tầng hai và tầng ba mỗi tầng có bảy phòng nghỉ.

Ðây là những vi phạm điển hình trong số các trường hợp vi phạm quy định về chuyển nhượng, sử dụng đất và xây dựng nhà ở, nhà nghỉ không phép phá vỡ cảnh quan, hiện trạng di tích đặc biệt danh thắng hồ Ba Bể. Ði thuyền trên hồ Ba Bể trong những ngày nước dâng cao, ai cũng dễ dàng nhìn thấy một số ngôi nhà bê-tông cốt thép xen lẫn những ngôi nhà gỗ, nhà sàn dùng để ở và đón khách du lịch tại thôn Bó Lù và Cốc Tộc xây dựng từ những năm trước chìa ra đến tận mép nước hồ, bao nhiêu rác thải, nước thải, chất thải của con người và động vật nuôi gần như xả thải ra hồ, rất phản cảm, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Bản Pác Ngòi cũng thuộc xã Nam Mẫu, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những ngôi nhà sàn đặc trưng gần hồ Ba Bể, địa chỉ ưa thích của du khách muốn khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa cũng đang dần bị phá vỡ bởi tình trạng cơi nới, cải tạo nhà ở làm nhà nghỉ. Thậm chí, việc xây dựng nhà bê-tông cốt thép tràn lan khiến tình trạng ô nhiễm chất thải, rác thải ở hồ Ba Bể ngày càng trầm trọng.

Lúng túng khi xử lý vi phạm

Sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất, xây dựng nhà không phép, các cơ quan chức năng đã xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị UBND tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo xử lý vi phạm, nhưng thời gian dài vừa qua các vi phạm này chưa được xử lý dứt điểm. UBND tỉnh Bắc Cạn yêu cầu UBND huyện Ba Bể thu hồi sổ đỏ, buộc ông Viện phá dỡ những căn nhà xây dựng không phép để trả lại hiện trạng ban đầu. Năm 2016 và 2017, UBND huyện Ba Bể đã nhiều lần đối thoại, yêu cầu ông Viện phá dỡ những căn nhà này, nhưng ông Viện không những không chấp hành mà thời gian qua còn tiếp tục cho xây dựng hoàn thiện một số căn nhà khác. Các hộ lấn chiếm đất rừng đặc dụng, làm nhà ở, nhà nghỉ không có giấy phép xây dựng, nhưng đến nay chính quyền địa phương và Vườn quốc gia Ba Bể cũng chưa xử lý được.

Gần đây, kiểm tra việc sử dụng đất, cấp sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Cạn đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Ba Bể thu hồi sổ đỏ đã cấp cho ông Viện, kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và các cá nhân liên quan vì để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai, cấp sổ đỏ, quản lý xây dựng tại thôn Cốc Tộc và Bó Lù. Kiểm tra tình trạng xây dựng nhà ở, nhà nghỉ tại khu vực Vườn quốc gia Ba Bể, Văn bản số 1278/SXD-QHKT, ngày 11-10-2016 của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Cạn gửi UBND tỉnh nhận định: “Trật tự xây dựng trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể đang có dấu hiệu vi phạm tràn lan”. Từ đó đến nay, những vi phạm về xây dựng, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể không những không được ngăn chặn, xử lý hiệu quả mà còn có những diễn biến phức tạp hơn.

Với tình trạng tăng dân số tại chỗ và khách du lịch đến hồ Ba Bể ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu xây dựng nhà ở do chia tách hộ, xây dựng nhà nghỉ đón khách du lịch tăng lên, nếu không xử lý được những trường hợp vi phạm quy định về xây dựng trong thời gian qua, không quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng thời gian tới thì cảnh quan thiên nhiên hoang sơ khu vực hồ Ba Bể sẽ tiếp tục bị biến dạng, môi trường ngày càng ô nhiễm, vẻ đẹp vốn có của hồ Ba Bể do thiên nhiên ban tặng sẽ không còn và cũng sẽ không hấp dẫn du khách nữa. Lúc ấy, giá trị của hồ Ba Bể không bao giờ có thể lấy lại được.

Theo (Bài và ảnh: THẾ BÌNH)/nhandan.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét