Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Luật sư “vạch mặt - chỉ tên” những thiếu sót trong việc rút tiền gửi tiết kiệm

(Xây dựng) - Theo thông tin báo chí đã nêu vụ việc Phó GĐ Eximbank TP Hồ Chí Minh Lê Nguyễn Hưng rút 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình rồi bỏ trốn đã gây xôn xao dự luận. Thậm chí, nhiều khách hàng còn đặt dấu chấm hỏi về độ an toàn khi gửi tiền tại ngân hàng.

Được biết ông Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn và có đã có lệnh truy nã. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Cty Luật SLAW về những thiếu sót trong việc rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng dưới góc nhìn pháp lý.


Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Cty Luật SLAW.

PV: Theo ông, trong trường hợp này khách hàng có quyền khởi kiện ngân hàng không?

Theo ông trong trường hợp không tìm thấy ông Lê Nguyễn Hưng thì khách hàng có được bồi thường tiền không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Mặc dù chưa được tiếp cận hồ sơ của vụ việc nhưng theo tôi khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một giao dịch dân sự. Tham gia giao dịch này, một bên là cá nhân người gửi tiền, một bên là tổ chức tín dụng. Giao dịch này chịu sự điều chỉnh của cả Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi năm 2017).

Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, tổ chức tín dụng (Ngân hàng Eximbank) phải đứng ra giải quyết và thực thi quyền lợi chính đáng đã cam kết với khách hàng. Bởi khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm bảo đảm khoản tiền gửi này, nếu có thất thoát, việc bồi hoàn là chuyện đương nhiên.

Trong khi đó, khách hàng giao dịch với ngân hàng chứ không giao dịch với cá nhân cán bộ ngân hàng. Họ gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải cho gửi cho một cá nhân nào đó. Do vậy, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền gửi cho khách hàng của mình.

Trong trường hợp này, theo tôi khách hàng nên tiến hành ngay việc khởi kiện ngân hàng để đòi bồi thường quyền lợi chính đáng của mình mà không cần biết cơ quan công an đã bắt được vị Phó GĐ ngân hàng (có dấu hiệu lừa đảo) kia hay chưa.

PV: Xin ông hãy phân tích thêm về những kẽ hở của Luật trong việc gửi tiền tiết kiệm?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, pháp luật không cấm các ngân hàng thực hiện thủ tục ủy quyền mang tính nội bộ. Theo đó, bên ủy quyền và bên được ủy quyền cùng ký vào giấy ủy quyền, lãnh đạo ngân hàng ký xác nhận ủy quyền, lập tức bên được ủy quyền được thực hiện giao dịch.

Thế nhưng, vấn đề của lỗ hổng tiền gửi là nhiều khách hàng VIP có phần chủ quan, ký sẵn giấy ủy quyền giao dịch cho người khác và để trống bên được ủy quyền. Từ đó, cán bộ ngân hàng lợi dụng kẽ hở này để thực hiện các hành vi mờ ám, dẫn đến rủi ro cho người gửi tiền lẫn ngân hàng mà vụ việc bà Bình mất hàng trăm tỉ đồng tại Eximbank là điển hình.

Mặt khác, quy trình kiểm soát các giao dịch gửi - rút tiền của ngân hàng cũng hết sức thô sơ. Đơn cử, khi khách hàng đến phòng giao dịch của một ngân hàng để rút tiền thì chứng từ giao dịch thường thông qua một nhân viên giao dịch, một kiểm soát viên đã được tổng giám đốc ngân hàng đó ủy quyền việc chi trả tiền với một số lượng nhất định; tiếp đến nhân viên ngân quỹ kiểm tra chứng từ và thực hiện lệnh rút tiền của khách hàng.

Thế nhưng, nếu 3 người này thông đồng giả mạo chứng từ đề rút tiền của người khác thì việc này sẽ trót lọt. Trường hợp lãnh đạo cấp trên kiểm tra định kỳ chứng từ tại các phòng giao dịch phát hiện thì sự việc vỡ lở. Đó là chưa kể tình huống cấp trên có thể thông đồng với cấp dưới thực hiện hành vi rút tiền gian dối. Nếu điều này diễn ra thì việc khách hàng bị mất tiền trong thời gian dài không bị phát hiện là dễ hiểu.

PV: Vậy đâu là những giải pháp để khắc phục những kẽ hở trên thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để tránh những trường hợp tương tự, tôi xin khuyến cáo khách hàng cần đăng ký thông báo qua số điện thoại biến động số dư trong tài khoản để khi phát sinh các giao dịch, khách hàng có thể kiểm tra và thông báo cho ngân hàng nếu thấy phát sinh các giao dịch bất thường.

Đồng thời, khách hàng không nên ký khống vào bất cứ giấy tờ nào, kể cả việc này là yêu cầu từ phía nhân viên của ngân hàng. Bởi, quy định, quy trình nào cũng sẽ có kẽ hở. Nên việc ký khống sẽ là rất nguy hiểm nếu cán bộ ngân hàng không có đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua vụ việc này, nếu khách hàng là bà Bình có đơn khởi kiện vụ án ra toà án, cũng mong toà án xét xử vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho bà Bình, phán quyết sẽ nêu rõ là ngân hàng có phải chịu trách nhiệm bồi thường không hay đổi hết trách nhiệm cho nhân viên, đây sẽ là một án lệ để các toà án xét xử những vụ việc tương tự về sau.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ninh Nhi (thực hiện)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét