Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Tp.HCM: Nhiều dãy nhà trọ đề ra mặt bằng giá thuê mới sau Tết

Tại các quận, huyện vùng ven Tp.HCM, nhiều nhà đầu tư (NĐT) lên kế hoạch tăng giá thuê nhà trọ, phòng trọ từ 7-15% sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo ghi nhận của PV Batdongsan.com.vn, tại khu vực ven trung tâm Tp.HCM như Q.9, Q.2, huyện Bình Chánh, Nhà Bè… các dãy nhà trọ đã rục rịch lên giá thuê sau Tết Nguyên đán. Được biết, cả dãy trọ mới và cũ đều tăng giá trung bình từ 100-300 ngàn đồng/phòng so với  giá thuê trong năm 2017.

Tại khu Đông, tại P.Trường Thạnh, P.Tăng Nhơn Phú B (Q.9), P.Linh Trung (Q.Thủ Đức), P.Bình Trưng Tây, P.Bình Trưng Đông (Q.2), các dãy nhà trọ đều nhích giá thuê lên 7-15% (tức khoảng 150-300 ngàn đồng/tháng/căn) so với giá cũ sau một năm vận hành. Cụ thể, dãy nhà trọ 10 phòng tại đường Lò Lu (sát chợ Trường Thạnh, P.Trường Thạnh, Q.9) giá hiện tại đã lên từ 200 ngàn đồng/phòng so với thời điểm đầu tháng 4/2017. Năm dãy nhà trọ cho thuê của các NĐT khác  tọa lạc tại đường số 11, P.Long Trường, Q.9 cũng chính thức đề ra mặt bằng giá thuê cao hơn 120 ngàn đồng/phòng so với cùng kỳ năm ngoái, tức từ 1.2 triệu đồng/tháng tăng lên 1.3-1.4 triệu đồng/tháng. Tương tự, dãy nhà trọ tại đường 42, P.Bình Trưng Đông, Q.2, giá phòng trọ cho thuê tại đây đã tăng 300 ngàn đồng/phòng so với đầu năm 2017. Mức giá mới này sẽ chính thức được áp dụng vào tháng 3/2018.

Tp.HCM: Nhiều dãy nhà trọ đề ra mặt bằng giá thuê mới sau Tết
Tại khu vực ven trung tâm Tp.HCM như Q.9, Q.2, huyện Bình Chánh, Nhà Bè…
các dãy nhà trọ đã rục rịch lên giá thuê sau Tết Nguyên đán

Tại khu Nam, các dãy nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê cũng tăng giá ít nhất 10% sau Tết Nguyên đán. Dãy nhà trọ 12 phòng tại đường Phạm Hùng (Bình Chánh), trong năm 2017 cho thuê mức giá 1 triệu đồng/phòng/tháng. Hiện tại giá đã tăng lên 1.2 triệu đồng/phòng. Một số dãy trọ trên đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè) cũng nhích giá từ 100-200 ngàn đồng/tháng (tùy vị trí), từ 800 ngàn đồng/phòng (20m2) lên 1 triệu đồng/phòng. Nhiều dãy phòng trọ tại đường Lê Văn Lương nối dài có giá thuê 1.3 triệu đồng/phòng (diện tích 24-25m2) trong năm 2017, hiện đã nhích lên 1.4-1.5 triệu đồng/phòng/tháng vào đầu năm 2018. Tương tự, một số dãy nhà trọ cho thuê tại đường Đào Sư Tích, Long Thới chủ trọ cũng đề ra mức giá thuê mới vào đầu tháng 3/2018, tăng ít nhất 200 ngàn đồng/phòng/tháng. Bên cạnh đấy, nhà trọ nguyên căn cho thuê có giá từ 3-5 triệu đồng/căn/tháng tại khu vực cũng nhích giá từ 7% sau Tết âm lịch.

Ngay cả dãy nhà trọ mới hoàn thiện vào cuối năm 2017, chuẩn bị đón khách thuê vào đầu năm 2018 cũng đưa ra mặt bằng giá mới. Cụ thể, giá cho thuê cao hơn khoảng 100-200 ngàn đồng/phòng/tháng, cùng diện tích so với các dãy nhà trọ có thâm niên từ 2-3 năm. Tại khu Đông, hàng loạt dãy nhà trọ mới mọc lên vào cuối năm 2017, đầu 2018 đều có giá thuê từ 1.8-2 triệu đồng/phòng (tùy vị trí), cao hơn trung bình 200 ngàn đồng/phòng so với dãy cũ tại khu vực (khi đã tăng giá). Lý do dãy nhà trọ mới nhích giá cao hơn là do hiện trạng dãy trọ đẹp hơn, mức chi phí đầu tư vào phòng trọ như vật liệu, nhân công cao hơn so với thời điểm cách đây vài năm.

Bên cạnh đấy, đối với những dãy nhà trọ đã cũ, xuống cấp, NĐT thường tiến hành tu sửa lại như quét sơn, đầu tư hạng mục nội thất vào dịp cuối năm và tăng giá vào thời điểm sau Tết. Mức tăng ghi nhận từ 7-10%/năm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một NĐT đất nền, nhà trọ lâu năm tại khu Đông cho rằng, NĐT tập trung tu sửa, làm mới dãy nhà trọ vào dịp cận Tết (mỗi năm) đối với những dãy đã xuống cấp, hoạt động được khoảng 5  năm trở lên. Đây cũng là cái cớ để NĐT có thể tăng giá thuê vào dịp đầu năm.

Theo ghi nhận của PV, đối với những dãy nhà trọ còn khá mới, thâm niên 1-2 năm, việc tăng giá thuê sau dịp Tết ghi nhận rõ nét nhất, khoảng từ 10-15%, đặc biệt mức tăng ghi nhận đồng đều ở hầu hết các dãy trọ có vị trí gần chợ, trường học, tiện ích xung quanh đầy đủ. Riêng những dãy trọ lâu năm, xuống cấp thì giá thuê sau một năm ít biến động hơn, chỉ tăng nhẹ hoặc không tăng do phần lớn là khách lâu năm thuê, cơ sở vật chất thấp cũng khó tăng giá (nếu không tu sửa lại).

Được biết, mặt bằng giá thuê mới thường được NĐT tính toán và đề ra vào dịp cuối năm, áp dụng chính thức sau dịp nghỉ Tết, khoảng tháng 2 đến tháng 4/2018 – đây là thời điểm đối tượng khách thuê trở lại thuê trọ và có thêm nguồn cầu mới (do một số khách thuê trả phòng trước Tết). Ngoài ra, theo các chủ nhà trọ, sau một năm vận hành, hầu hết các dãy trọ đều tăng giá để tính toán vào mức lời NĐT sản sinh trên tài sản sở hữu của mình. Mức tăng ít hay nhiều còn phụ thuộc vào mỗi NĐT đưa ra, vào sức thuê, nhu cầu thị trường thực tế của từng khu vực, đa số mức tăng trung bình sẽ là 10%/năm. “Do khách thuê trọ vùng ven chủ yếu là công nhân, sinh viên nên mức độ tăng giá dãy nhà trọ khá nhẹ, không đột biến, ít ảnh hưởng đến “túi tiền” của người thuê, có thể chấp nhận được”, một NĐT sống tại Q.2 cho hay.

Ông Nguyễn Văn Chiến, một NĐT sở hữu 3 dãy trọ cho thuê tại P.Trường Thạnh, Q.9, chia sẻ với PV: “Nhà trọ vẫn là phân khúc thu tiền lẻ ổn định của NĐT có dòng vốn trung bình. Đây cũng là phân khúc ít biến động về giá do nhu cầu thuê trọ vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm. Mặc dù giá thuê không tăng đột biến theo đợt nhưng NĐT có thể chủ động dòng tiền vì đây là loai hình ít ảnh hưởng bởi sự lên xuống của thị trường, nguồn tiền của NĐT vì thế ổn định”.

Tuy vậy, theo ông Chiến, không ít NĐT sở hữu dãy trọ ở một số khu vực có tốc độ tăng giá đất nền cao như Q.2, Q.9 đã vin vào cớ đất nền khu vực tăng giá nên cũng đẩy giá thuê phòng trọ lên khá cao, từ 30 – 50% giá thuê hiện tại, khiến nguồn cầu thuê bất ổn giữa các năm. “Thậm chí, một số NĐT vin vào cớ đất – thuế, phí điện nước tăng… để đưa ra mức giá mới theo đợt trong năm (khoảng 4- 6 tháng tăng một lần), vượt khả năng chi trả của bộ phận khách thuê khiến nguồn cầu thuê bấp bênh, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền thu về hàng tháng”, ông Chiến nhấn mạnh.

Phương Nga

0 nhận xét:

Đăng nhận xét