Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế

(Xây dựng) - Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhất là việc đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên thông qua Đề án bệnh viện vệ tinh nhiều bệnh viện tại Vĩnh Phúc tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ hiện đại.


Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chẩn đoán và đặt stent cho bệnh nhân tim mạch.

Với đề án bệnh viện vệ tinh tay nghề đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở được nâng cao, đồng thời giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với kỹ thuật cao góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Theo đề án bệnh viện vệ tinh, Vĩnh Phúc có bệnh viện vệ tinh gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Sản - Nhi. Đây là những bệnh viện này được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tim, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương…

Hệ thống cơ sở hạ tầng các đơn vị được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây mới với quy mô 1.000 giường bệnh, hiện đã khởi công xây dựng nhà điều trị nội trú với tổng giá trị gần 800 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019). Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc với quy mô 500 giường bệnh đang được thi công. Trang thiết bị y tế được bổ sung đồng bộ, hiện đại cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của tỉnh. Công tác xã hội hóa, liên kết, lắp đặt và đưa vào sử dụng một số trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho chẩn đoán và điều trị, góp phần cung cấp cho người bệnh những dịch vụ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã tổ chức thành công việc chuyển giao kỹ thuật chụp chẩn đoán bệnh lý bệnh mạch vành và đặt Stent cho bệnh nhân hẹp động mạch vành và các động mạch có tổn thương. Tại đây, các bác sĩ bệnh viện được các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội hướng dẫn, chuyển giao các kỹ thuật thực hiện chụp, chẩn đoán bệnh vành mạch và đặt Stent và chụp chẩn đoán, xử lý các động mạch có tổn thương.

Trao đổi với Phóng viên, TS. Bác sĩ Trần Văn Tuấn - Trưởng khoa Nội A (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc), người trực tiếp thực hiện việc can thiệp động mạch vành cho biết: “Bệnh xơ vữa hẹp lòng động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Những năm gần đây, bệnh lý thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim tăng lên nhanh chóng trên phạm vi cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng, mỗi năm có hàng trăm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp do bệnh lý động mạch vành gây lên đã gây tử vong do không được can thiệp, điều trị kịp thời”.

Với việc tiếp nhận các kỹ thuật cao trong điều trị các loại bệnh từ các bệnh viện tuyến trên trong Đề án đã góp phần nâng cao tay nghề, chuyên môn cho các bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh, giảm tình trạng chuyển tuyến, giảm áp lực quá tải tuyến trên. Cùng với đó là việc đầu tư xây dựng Nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc có quy mô 710 giường bệnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh quy mô 500 giường bệnh sẽ tạo điều kiện để ngành Y tế Vĩnh Phúc tiếp nhận các kỹ thuật mới, nhận chuyển giao các tiến bộ trong y khoa, các bệnh nhân được thụ hưởng kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe tại chỗ, tiết kiệm được thời gian, chi phí… ngay tại địa phương.

Văn Nhất

0 nhận xét:

Đăng nhận xét