Ông Raymond Tanabe-Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương khẳng định, công tác dự báo cường độ bão hiện vẫn đang là bài toán khó với nhiều quốc gia, kể cả các nước có nền công nghệ tiên tiến nhất như Mỹ hay Nhật Bản.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo khoa học nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới của dự báo bão, tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội, ông Raymond Tanabe cho biết, cái khó khăn lớn nhất trong bài toán dự báo là dự báo cường độ bão.
Mặc dù, tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều năm qua mới chỉ đạt được kết quả dự báo tốt ở về vị trí đổ bộ của bão, thời gian tác động của bão, còn dự báo về cường độ bão hầu như không có tiến triển gì nhiều.
Vì thế, theo ông Raymond Tanabe, việc quan trong hiện nay là cần phải nâng cao công nghệ, đầu tư trạm quan trắc và khả năng truyền tải thông tin dự báo.
Hiện tại, khoảng cách giữa các trạm quan trắc phụ thuộc vào địa hình của mỗi quốc gia. Quốc gia nào có nhiều đồi núi thì số lượng trạm quan trắc sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn, bởi thời tiết ở đỉnh núi và chân núi có sự khác biệt.
Về công nghệ dự báo bão trên thế giới, Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương cho biết, hiện nay công nghệ dự báo được chia làm 3 bước. Bước đầu tiên là dựa vào số liệu quan trắc từ số liệu vệ tinh, số liệu ra đa và những số liệu bề mặt, số liệu tự động.
Các số liệu nói trên sẽ được đưa vào các mô hình tính toán. Mô hình tính toán nêu trên sẽ giúp cho những người dự báo viên dự báo các cơn bão tốt hơn.
“Đặc biệt, chúng tôi không chỉ sử dụng mô hình riêng này, chúng tôi còn sử dụng các mô hình tổng hợp và theo dõi tham khảo các mô hình dự báo của các quốc gia khác nữa,” ông Raymond Tanabe chia sẻ.
Vị chuyên gia khí tượng người Mỹ cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương đã cải tiến công nghệ rất nhiều để nâng cao bài toán dự báo, từ khâu quan trắc để cải tiến số liệu đầu vào, chúng tôi còn tăng cường số liệu quan trắc bằng máy bay.
Hiện nay do có số liệu đầy đủ hơn nên công tác dự báo cũng được tốt hơn và còn có sự kết hợp không biên giới giữa các quốc gia, chúng ta có thể chia sẻ số liệu cho nhau, từ đó thông tin dự báo được đến với người dân đầy đủ và chính xác hơn rất nhiều.
Đặc biệt là nhờ có sự kết hợp không biên giới giữa các quốc gia nên có thể chia sẻ số liệu, từ đó các bài toán về dự báo bão đã dần được giải quyết, truyền tải thông tin chính xác và đến gần với người dân hơn.
Chia sẻ về công nghệ và khả năng dự báo của Việt Nam, ông Trần Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cho biết Việt Nam hiện đang tiếp cận rất nhiều công nghệ dự báo hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, trình độ dự báo củaViệt Nam vẫn còn gặp khó khăn so với các nước khu vực và quốc tế.
Một trong những khó khăn được ông Thái đưa ra là, hệ thống quan trắc của Việt Nam hiện còn thưa thớt, công nghệ lạc hậu, khiến quá trình tiếp nhận số liệu không đầy đủ, thiếu chính xác và không kịp thời.
“Tất nhiên, chúng ta mới tập trung đầu tư trong mấy năm gần đây, đang nâng cao trình độ cán bộ, cố gắng xây dựng công nghệ phù hợp, tiên tiến hơn nên chúng ta vẫn cần sự hỗ trợ và từng bước hoàn thiện về khả năng dự báo,” ông Thái nói thêm./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét