(Xây dựng) – Cơ quan Kiểm toán Nhà nước vừa gửi báo cáo chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án theo hợp đồng BT ở tỉnh Thái Bình trong năm 2017.
Đường Kỳ Đồng kéo dài vẫn đang trong quá trình thi công (Ảnh: Vietnamfinance.vn).
Điểm mặt 2 dự án BT nổi bật ở Thái Bình
Tỉnh Thái Bình vốn có nhiều dự án BT và 2 dự án nổi bật nhất trong năm qua phải kể đến Công trình đường Kỳ Đồng kéo dài và Khu NƠXH dành cho người có thu nhập thấp ở phường Quang Trung, TP Thái Bình.
Trong đó, Dự án đường Kỳ Đồng kéo dài được xây dựng nhằm nâng cao năng lực vận tải, kết nối TP Thái Bình với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của tỉnh, tạo điều kiện thông thương hàng hóa, khu công nghiệp, khu đô thị với các khu vực khác và tạo không gian đô thị hiện đại theo quy hoạch chung đô thị tỉnh Thái Bình.
Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 08121000438 ngày 16/10/2014, do Cty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long làm Chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 08/2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 08/2018. Công trình có tổng chiều dài 1.623,6m, đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến Quốc lộ 10, tốc độ thiết kế 70km/h, bề rộng xe chạy 21m, vỉa hè rộng 16m và xây dựng, lắp đặt đồng bộ hệ thống thoát nước dọc, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường đảm bảo an toàn giao thông.
Sau khi bàn giao dự án BT, nhà đầu tư sẽ được nhận 2 dự án: Dự án phát triển khu nhà ở hai bên đường Kỳ Đồng kéo dài với diện tích đất sử dụng là 315.473m2 và dự án khu dân cư mới xã Vũ Phúc với diện tích dất sử dụng 310.000m2.
Trong khi đó, Khu NƠXH cho người có thu nhập thấp được xây dựng tại khu nhà 5 tầng, tổ 39 và 40 phường Quang Trung, TP Thái Bình nhằm tạo quỹ nhà ở để di chuyển các hộ dân đang sinh sống trong các khu tập thể đã xuống cấp tại tổ 39, 40 phường Quang Trung.
Công trình cao 15 tầng, cao 50,95m có tổng diện tích sàn là 19.038,3m2, 289 căn hộ; nhà dịch vụ công cộng 2 tầng, cao 8,4m có tổng diện tích sàn 394m2; móng cọc bê tông, cốt thép dự ứng lực, đường kính 600cm, chiều dài 58,85m; hệ thống khung dầm chịu lực kết hợp tường chèn, mái bê tông cốt thép liền khối; hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; cầu thang máy; sử dụng hệ thống điện 3 pha và máy phát điện dự phòng; hệ thống cấp nước sạch lấy từ nguồn tại khu vực phường Quang Trung, TP Thái Bình.
Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 6232542637 vào ngày 18/11/2015, do Cty CP Damsan làm Chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 12/2015 và hoàn thành vào tháng 06/2017.
Nhưng tính đến thời điểm kiểm toán vào tháng 12/2017, UBND tỉnh Thái Bình vẫn chưa có quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu nên công trình vẫn chưa được bàn giao, chậm 6 tháng so với kế hoạch.
Dự án NƠXH ở TP Thái Bình (Ảnh: Vietnamfinance.vn).
TP Thái Bình lấy đất lúa thanh toán hợp đồng BT vì ... quỹ đất hạn hẹp
UBND tỉnh Thái Bình có khẳng định, 2 dự án BT có trong quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng chi tiết 1/2000, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và được thực hiện theo quy định về lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước lại cho biết, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định đầu tư vào dự án xây dựng NƠXH dành cho người có thu nhập thấp ở phường Quang Trung, TP Thái Bình khi chưa được HĐND tỉnh thông qua.
Đáng nói hơn nữa, UBND tỉnh Thái Bình còn phải thanh toán cho nhà đầu tư bằng việc đối trừ tiền sử dụng đất, bất chấp thực tế là quỹ đất ở TP Thái Bình khá hạn chế, giá đất thấp và thanh khoản chậm.
Không còn cách nào khác, TP Thái Bình buộc phải sử dụng nhiều diện tích đất trồng lúa để thanh toán cho hợp đồng BT. Giá đất sau khi trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án phát triển nhà ở hai bên đường Kỳ Đồng kéo dài vào khoảng 1.094.000 đồng/m2, còn ở dự án khu dân cư xã Vũ Phúc là 1.170.000 đồng/m2.
Tổng diện tích đất lúa bị thu hồi thuộc các dự án đối ứng đường Kỳ Đồng kéo dài và Dự án NƠXH cho người có thu nhập thấp là 508.381m2, chiếm đến 84% diện tích đất của dự án.
Giá trị của hợp đồng BT, bao gồm cả chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá và khối lượng phát sinh, cũng không đúng theo quy định tại khoản 1, điều 4, Thông tư 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Tổng dự toán công trình tính đến thời điểm kiểm toán (từ ngày 09/11/2017 đến ngày 17/12/2017) là 207.881 triệu đồng, vượt 50.812 triệu đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt, vì tăng chi phí bồi thường GPMB, chi phí quản lý dự án, chi phí xây lắp và chi phí khác.
Theo đó, dự án chỉ có quy mô 12 tầng với 238 căn hộ trong quyết định phê duyệt đầu tiên vào ngày 02/4/2015. Nhưng đến ngày 13/10/2016 thì gói thầu được điều chỉnh lên 15 tầng với 289 căn hộ, dù quy hoạch chi tiết 1/500 chưa được điều chỉnh. Các cơ quan chức năng cũng chưa có văn bản yêu cầu nhà đầu làm thủ tục, hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt, khi tổng mức đầu tư thay đổi theo quy định của pháp luật.
Theo Kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm này thuộc về cơ quan thẩm định tổng mức đầu tư (Sở kế hoạch đầu tư) và cơ quan được ủy quyền ký hợp đồng BT (UBND tỉnh Thái Bình).
Trong khi đó, dự án đường Kỳ Đồng kéo dài lại được bổ sung nối thêm tuyến 563,79m với giá trị 23.579,1 triệu đồng theo quyết định số 2612/QĐ-UBND ngày 05/10/2017 của UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt bổ sung Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Đáng nói ở chỗ, đoạn nối tuyến này không thuộc quy hoạch đã được phê duyệt ban đầu và chỉ được UBND tỉnh Thái Bình bổ sung quy hoạch tại Quyết định 1727/QĐ-UBND ngày 29/06/2017.
Tổng mức đầu tư của công trình này cũng được điểu chỉnh lên mức 300.277 triệu đồng, tăng 35.249 triệu đồng so với quyết định phê duyệt ban đầu, vì xác định lại giá nhân công, vật tư, chi phí bồi thường GPMB theo Luật Đất đai năm 2013.
Thực tế, công tác GPMB ở 2 dự án BT tại Thái Bình vẫn còn rất không ít tồn tại cần khắc phục và sửa chữa. Cụ thể, trong Dự án NƠXH cho người thu nhập thấp, Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) TP Thái Bình có bồi thường, hỗ trợ cả phần diện tích thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước và cả diện tích cơi nới trái phép thuộc Dự án NƠXH số tiền gần 42 tỷ đồng đồng. Nhưng chiếu theo quy định tại Điều 14, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì hai loại diện tích nêu trên đều không được bồi thường và hỗ trợ.
Còn ở Dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, thành phố giao phần lớn diện tích đất của dự án cho chủ đầu tư để xây dựng dự án phát triển nhà ở hai bên đường mà không dành 20% diện tích đất cho quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp theo quy định. TTPTQĐ cũng giao đất tái định cư và đất ở mới cho 2 hộ dân ở xã Phú Xuân không đúng với quy định.
Bên cạnh đó, TTPTQĐ còn ứng vốn không đúng thời điểm, gây lãng phí và thất thoát Ngân sách Nhà nước với số lãi tính đến thời điểm kiểm toán là hơn 20 triệu đồng. Một số tuyến đường cũng chưa thể công do chưa bàn giao được mặt bằng và công tác GPMB gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của dự án.
TP Thái Bình (Ảnh: Internet).
UBND tỉnh Thái Bình ký hợp đồng BT chưa đúng quy định
Sau khi điều tra, cơ quan Kiểm toán Nhà nước khẳng định, việc UBND tỉnh Thái Bình giao UBND TP Thái Bình (đơn vị cấp huyện) ký hợp đồng BT với nhà đầu tư trong cả 2 Dự án đường Kỳ Đồng kéo dài và khu NƠXH dành cho người thu nhập thấp đều không đúng với tại khoản 2, Điều 3, Nghị định J.08/2009/ND - CP ngày 27/11/2009.
Theo đó, UBND tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan trực thuộc của mình ký kết và thực hiện Họp đồng dự án như Sở Xây dựng, Sở Giao thông... (cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh được quy định chi tiết tại khoản 2, Điều 20 Luật Tổ chức chính quyền địa phương).
Đơn vị cấp huyện về thẩm quyền hay năng lực vẫn còn hạn chế, trong khi dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT lại là những dự án có quy mô lớn, áp dụng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau. Nói cách khác, cấp huyện sẽ gặp nhiều khó khăn khi trở thành đơn vị dại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng BT.
Bên cạnh đó, lãi suất quy định trong 2 dự án này cũng chưa cụ thế và chưa phù hợp. Sau khi có quyết định giao đất dự án đối ứng số 2 (dự án đầu tư khu dân cư xã Phú Xuân, TP Thái Bình), các bên ký kết hợp đồng BT vẫn chưa xác định lãi vay huy động vốn đầu tư trong phương án tài chính của hợp đồng BT, tính đến ngày UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất.
Không những thế, các bên còn chưa ký kết phụ lục hợp đồng BT ghi nhận giá trị dự án BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động vốn đầu tư theo qui định. Công thức thanh toán trong hợp đồng cũng chưa rõ ràng và chặt chẽ.
Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng mắc thiếu sót trong công tác lựa chọn nhà đầu tư BT. Danh sách các nhà đầu tư gửi văn bản đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội đã không được được đăng tải trên Báo Đấu thầu và Trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương theo quy định.
Chưa kể, dù danh mục nhà đầu tư đã được công bố công khai, minh bạc, nhưng cả 2 dự án đều thực hiện theo hình thức chỉ định nhà thầu, dẫn đến các yếu tố như lợi nhuận định mức của nhà đầu tư, lãi suất vốn vay, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình... chỉ được xác định qua bước thương thảo hợp đồng, làm mất tính cạnh tranh trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Riêng với dự án nhà ở xã hội, các gói thầu chưa có biên bản thương thảo mà ký hợp đồng trực tiếp. Việc giá gói thầu sau thẩm định bằng giá gói thầu sử dụng để xét thầu cũng chưa tuân thủ quy định tại Luật đấu thầu.
Dự án hợp đồng BT vẫn còn rất nhiều ... “sạn”
Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thiết kế - dự toán của 2 dự án BT ở Thái Bình đều có “sạn”.
Đối với Dự án NƠXH cho người có thu nhập thấp, thiết kế bản vẽ thi công chưa tuân thủ theo thiết kế cơ sở về giải pháp kết cấu móng và sàn. Trong quá trình thẩm định dự toán xây dựng công trình, Sở Xây dựng Thái Bình còn sử dụng một số đơn giá tạm tính do chưa có trong đơn giá định mức Nhà nước công bố và một số đơn giá vật liệu chưa có trong danh mục Thông báo giá.
Dự toán được duyệt còn một số khối lượng chưa phù hợp với bản vẽ thi công làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu xây lắp, khoảng 21 tỷ đồng. Trong khi đó, công tác thẩm định và phê duyệt dự toán của Dự án đường Kỳ Đồng kéo dài cũng xuất hiện một số sai sót đơn giá làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu khoảng 1,6 tỷ đồng.
Trong công tác quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng và tư vấn, các bên đã không tiến hành thương thảo hợp đồng các gói thầu trước khi ký kết theo đúng trình tự quy định, một số nội dung công việc có điều chỉnh nhưng chưa lập hồ sơ để thẩm định phê duyệt làm cơ sở hoàn công và quyết toán.
Trong cả 2 dự án, việc thanh toán chi phí tư vấn quản lý dự án còn áp dụng sai định mức; thanh toán một số khối lượng chưa phù hợp với bản vẽ hoàn công, chi phí lãi vay trong thời gian thi công do nhà thầu thi công không hợp lý và một số nội dung chưa đủ điều kiện quyết toán.
Trong quá trình thực hiện Dự án NƠXH, chủ đầu tư là Cty Damsan có thu tiền đặt cọc mua căn hộ (phải nộp vào Ngân sách Nhà nước) để làm nguồn vốn thực hiện dự án, khoảng 46,4 tỷ đồng (tính đến ngày 31/10/2017 đã trả nợ gốc ngân hàng khoảng 23 tỷ đồng).
Xét về tính kinh tế và hiệu quả, dự án nhà ở xã hội chưa thành công như kỳ vọng khi mới có 64 hộ dân thuộc đối tượng ngưòi có thu nhập thấp đến ở tại khu nhà của dự án BT. Và nếu chỉ hỗ trợ nhà cho 64 hộ dân nêu trên ở tỉnh Thái Bình thì số tiền phải bỏ ra chỉ rơi vào khoảng 28.480 triệu đồng (64 hộ x 50m2 x 9,9 triệu đồng/2), trong khi tỉnh Thái Bình phải chi đến khoảng 200.000 triệu đồng để thực hiện dự án theo hình thức BT.
Nếu tính cả 2 dự án BT với tổng mức đầu tư khoảng 547 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình phải sử dụng đến 738.280m2 đất trong phương án thanh toán.
Nếu tiếp tục thực hiện 17 dự án BT theo kế hoạch với số vốn hơn 5.000 tỷ đồng, đồng thời thanh toán bằng quỹ đất với các tiêu chí ước tính tương đưong như 2 dự án trên, ước tính tỉnh Thái Bình sẽ phải sử dụng đến 5,7 triệu m2 đất thanh toán cho hợp đồng BT.
Chưa kế, giá đất tại các huyện sẽ còn thấp hơn giá đất tại thành phô Thái Bình như 2 dự án đã nêu.
Nhà đầu tư bị kiến nghị xử lý gần 100 tỷ đồng
Với những sai phạm đã mắc phải, cả Cty TNHH Xây dựng chuyển giao Hoàng Long và Cty CP Damsan đều bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền lần lượt là 14,8 tỷ đồng và 79 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cty Damsan còn phải điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính (nguồn vốn đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư xây dựng) đến 31/10/2017 theo kết luận và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, đồng thời khẩn trương hoàn tất thủ tục trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bàn giao dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Cty Hoàng Long cần hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán.
UBND TP Thái Bình thì có nhiệm vụ ký lại phụ lục hợp đồng BT theo quy định với đầy đủ thông tin, điều kiện thanh toán rõ ràng, chặt chẽ và có biện pháp thực hiện bồi thường, GPMB kịp thời để giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ thi công, giảm lãng phí lãi vay và các chi phí khác đối với dự án đầu tư.
Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, UBND tỉnh Thái Bình cũng phải cân nhăc việc lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp, cân nhắc việc ủy quyền cho UBND cấp huyện làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng BT và chấn chỉnh các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc điều chỉnh quy mô công trình nhà ở xã hội chưa đúng trình tự. HĐND tỉnh sẽ xem xét việc sử dụng quỹ đất thanh toán cho 17 dự án thuộc hợp đồng BT, vì quỹ đất tỉnh Thái Bình hạn hẹp.
Cuối cùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ có nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành cơ chế đấu thầu đối với các dự án đối ứng của dự án BT.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét