(Xây dựng) - Khi xuân về, cây cối nở lộc đơm hoa cũng là dịp đồng bào dân tộc Thái, thuộc bản Lùm Nưa, Trịnh Vạn, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) tưng bừng tổ chức Lễ hội Nàng Han. Lễ hội là dịp để bà con suy tôn, tưởng nhớ công đức của vị nữ tướng Nàng Han, vừa để tạo khí thế vui tươi, phấn khởi động viên bà con tăng gia sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Cụ Cầm Thị Đành, người kể lại truyện Nàng Han.
Bản Lùm Nưa của người Thái nằm giữa thung lũng rộng, bốn bề là núi cao quanh năm mây phủ. Nơi đây, người Thái đen, Thái trắng đời nối đời cùng nhau định cư, khai khẩn đất đai, xây dựng bản làng trù phú. Trong đó, dòng họ Cầm là một dòng họ lớn, có nhiều công lao phò Vua, giúp nước. Điển hình là vị danh nhân Cầm Bá Thước, người đã hưởng ứng Chiếu cần Vương của Vua Hàm Nghi, cầm đầu nghĩa quân chống Pháp.
Về sự tích Lễ hội Nàng Han, theo cụ Cầm Thị Đành, bậc cao niên trong Mường kể lại, tương truyền ở đất Chiềng Ván xưa, có một gia đình sinh hạ được hai người con gái đẹp người đẹp nết, tài sắc hơn người, sắc đẹp của hai nàng khiến bao trai bản ngẩn ngơ, ngày đêm tưởng nhớ. Riêng cô chị là Nàng Han, ngoài sắc đẹp trời ban còn rất thông minh, ham cưỡi ngựa, bắn cung, luyện kiếm. Trong những dịp cưỡi ngựa đi săn cùng đám trai tráng, nàng thường nổi bật nhờ tài bắn cung bách phát bách trúng, có lần nàng đã một mình hạ con gấu dữ, cứu bạn phường săn. Nghe tiếng Nàng Han tài giỏi, trai tráng Mường trên, bản dưới rủ nhau kéo về đất Trịnh Vạn xin được thử tài, nhưng thảy đều thua cuộc. Gặp buổi loạn ly, giặc dữ kéo về tàn phá đất nước, huởng ứng chiếu Vua ban, tìm người tài giỏi cùng đứng lên dẹp giặc Nàng Han đã giấu song thân, đóng giả trai sung vào đội quân của Mường Tạo để về kinh thành ứng thí. Sau khi trổ tài cung kiếm làm đẹp lòng Đức Vua và bá quan văn võ, nàng được Vua ban chức tướng quân, giao thống lĩnh một đạo quân về quê đánh giặc. Nhờ tài thao lược lại chuyên cần luyện tập, đội quan của nàng đánh đâu thắng đấy, giặc tan, bản làng bình yên trở lại. Rồi một hôm, Nàng Han một mình phi ngựa vào chân núi Phả Thăm, qua hang Mường, nàng dừng chân ngắm cảnh rùng núi, bản Mường giây lát, rồi cả người và ngựa từ từ bay thẳng lên trời thẳm.
Từ đấy, để ghi nhớ công ơn của nàng, cứ vào dịp xuân về, vào ngày mùng 5 tháng giêng, dân Mường Trịnh Vạn lại nô nức tổ chức Lễ hội Nàng Han. Trước đó, người nào việc nấy, cả bản tập trung chuẩn bị cho lễ hội, từ làm cây bông, lau chùi chiêng trống, ủ rượu cần, sắp đồ cúng lễ và chuẩn bị cho riêng mình những bộ đồ đẹp nhất. Vào ngày lễ, ngay trừ sáng sớm, mọi người đã tề tựu đông đủ nơi hành lễ, tại khu đất rộng, bằng phẳng trước cửa hang Mường không khí thật rộn ràng. Xung quanh cây hoa rực rỡ sắc màu, có gắn các hình nông cụ, hình con chão chàng, ve sầu, châu chấu… được đan bằng tre, nứa (biểu tượng của cây vũ trụ, có nhiều tầng cho vạn vật sinh sôi nảy nở) trai thanh, gái lịch thi nhau múa sạp, múa cá sa và hát đối đáp. Tiếng ca hát hòa tiếng chiêng, trống, nhạc cụ và tiếng chày khua luống vang lên rộn rã. Bên trong hang Mường có độ dài khoảng 1km, có vô vàn hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, chủ tế và những người phụ giúp chuẩn bị lễ vật để tiến hành lễ cúng, lễ vật dùng để cúng rất cầu kỳ, được chuẩn bị từ trước, bao gồm một con trâu trắng (nếu không có trâu sẽ thay bằng một con dê đực trắng), một con lợn, một con chó, 13 chai rượu, hai chĩnh rượu cần, vài chục con gà, ngan, gạo nếp, bánh trái… số lễ vật được chia thành 13 mâm lễ. Một mâm đặt tại nhà thờ gia tộc họ Cầm Bá, vừa tỏ lòng thành kính vừa để báo cáo ông tổ họ Cầm, xin phép cho con cháu được tổ chức Lễ hội Nàng Han, 10 mâm lễ và một chĩnh rượu cần được dùng làm lễ cúng trong hang Mường, hai mâm còn lại được dùng để các bà Tày (người cúng lễ) làm lễ cầm vía, ban lộc, buộc chỉ ngũ sắc cho những người tham dự, một chĩnh rượu cần được mang về bản tổ chức lễ rượu cần.
Các bà, các mẹ người dân tộc Thái bên cây bông tại Lễ hội Nàng Han.
Để làm lễ cúng trong hang, toàn bộ mười mâm lễ sẽ được đặt trên hương án, hương án được làm bằng tre, nứa có 4 tầng và sắp xếp hướng về phía “bức tượng” Nàng Han in trên vách hang. Bậc trên cùng gồm 5 mâm lễ có đầu trâu (hoặc dê), thủ lợn ngự ở giữa, các mâm còn lại có xôi, thịt và chai rượu. Mâm có đầu trâu dùng để cúng tế các thần linh trên trời và thần núi cao. Mâm bày thủ lợn cúng Nàng Han và Nàng Tóc Thơm (em Nàng Han). Lễ vật bày ở bậc thứ hai gồm 3 mâm có xôi, thịt dê, thịt lợn, rượu để cúng thần cây đa, thần cai quản mồ mả, đất đai, gia súc, gia cầm, của cải. Lễ vật bậc thứ 3 gồm 2 mâm xôi, thịt và một mâm nguyên con chó thui chín vàng, lễ vật cuối cùng là một chĩnh rượu cần. Trong văn hóa của người Thái, rượu cần và nước là hai thứ vật phẩm quý, không thể thiếu để dâng lên thần linh, tiên tổ mỗi dịp lễ, tết.
Phụ trách cúng lễ gồm có 4 bà Tày, trong đó bà Tày gốc làm chủ lễ, ba bà còn lại giúp việc. Trong lễ cúng, quan trọng nhất là lễ cúng Xứa Pha (cúng trời) trên Phả Thăm, rồi đến đại lễ cầm vía và đại lễ rượu cần … sau khi hoàn chỉnh cuộc tế lễ tại hang Mường, các bà Tày tiếp tục về bản làm lễ tạ ơn, sau đó các bà sẽ ban lộc, buộc chỉ cổ tay và chúc phúc cho mọi người. Kết thúc lễ, mọi người cùng nhau ăn uống, ca hát và tham gia các trò chơi tập thể.
Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào dịp hoa đào nở, Lễ hội Nàng Han lại tưng bừng diễn ra, thu hút không chỉ bà con xứ Mường Chiền Ván mà còn có sự tham gia của đông đảo người dân trong vùng. Là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái sở tại, Lễ hội Nàng Han đã trở thành lễ hội chung của đồng bào các dân tộc miền Tây Thanh Hóa, qua thời gian, lễ hội đã được tổ chức tiết kiệm, đơn giản hơn so với trước, nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, đầy đủ các nghi thức cổ truyền như xưa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét