(Xây dựng) - Sau gần 2 năm mong đợi, kể từ ngày 01/02/2018, thuế xuất khẩu xi măng được áp dụng mức 0% và được hoàn thuế VAT. Đón nhận tin vui đầu xuân Mậu Tuất này, các doanh nghiệp xi măng hy vọng xuất khẩu xi măng năm 2018 sẽ có nhiều triển vọng khả quan hơn.
Ảnh minh họa.
Trước đó, tại Nghị định 100/2016/NĐ - CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu và xuất khẩu xi măng bị áp thuế suất 5% và không được hoàn thuế VAT.
Sau hơn một năm triển khai, xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do khó cạnh tranh về giá bán với xi măng của Trung Quốc, Thái Lan… Xuất khẩu xi măng khó khăn, tiêu thụ nội địa tăng chậm khiến nhiều doanh nghiệp xi măng đứng ngồi không yên.
Các doanh nghiệp xi măng trút được gánh lo khi Chính phủ quyết định đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, năm 2018 triển vọng thị trường xi măng Việt Nam tốt hơn.
Ông Cung phân tích: Việc đưa thuế suất về 0% và cho phép hoàn thuế VAT giúp doanh nghiệp xi măng tăng hiệu quả xuất khẩu. Nhưng nguyên nhân chính khiến thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam tăng tốt trong thời gian qua là do chính sách phát triển vật liệu xây dựng của Trung Quốc như giảm sản lượng toàn ngành sản xuất vật liệu xây dựng để bảo vệ môi trường, tăng lương người lao động, tăng giá thành sản phẩm...
Bức tranh xuất khẩu xi măng năm nay sẽ có điểm sáng nhưng nhìn tổng thể thì năm 2018 ngành Xi măng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh cho rằng: Ngành Xi măng sẽ tiếp tục phải đối mặt với cung vượt cầu khoảng 25 - 30%. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu xi măng vẫn gặp nhiều khó khăn do xi măng thế giới dư thừa.
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu clinker và xi măng đến 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, lượng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á chiếm 29,71%, các nước khác chiếm 70,29% tổng lượng xuất khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp xi măng cho biết: các doanh nghiệp xi măng trong nước dù hướng đến mục tiêu bán hàng như tiêu thụ nội địa là chủ yếu thì vẫn phải tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu để đảm bảo cung cầu trong sản xuất. Thị trường xi măng thế giới cũng cạnh tranh rất khốc liệt, buộc doanh nghiệp các nước phải có chiến lược xuất khẩu thông minh và làm ăn chuyên nghiệp mới mong giữ được khách hàng. Trong tương lai, ngành Xi măng Việt Nam sẽ hình thành các Tập đoàn xi măng lớn thay vì nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét