(Xây dựng) - Trong những năm vừa qua, ngoài các giải pháp nâng cao chất lượng trong đào tạo, việc tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng lao động có tay nghề, đáp ứng cho sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn TKV và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Một phân hiệu thuộc Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh.
Để đạt được mục tiêu phát triển thị trường lao động, ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề là cơ sở và tiền đề cho việc cải thiện cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động hiện nay. Ngoài ra việc triển khai tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo các quy định của Nhà nước còn nhằm nâng cao chất lượng lao động theo mặt bằng tiêu chuẩn chung trên toàn quốc và khu vực, tạo cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động đồng thời cung cấp nguồn lao động có chất lượng cao cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Ở Việt Nam, công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đến thời điểm hiện tại đã được Quốc hội quy định tại Luật việc làm số 38/2013/QH13; Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13.
Cụ thể hóa các Luật trên trong 2 năm 2015 và 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015; Bộ Lao động ban hành Thông tư hướng dẫn số 19/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/6/2016. Trong năm 2016 Sở Lao động Quảng Ninh đã có công văn số 2209/LĐTBXH-DN, ngày 10/10/2016 của Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo tiến độ chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại Công văn số 5359/TKV-TCNS, ngày 07/11/2016 xác định thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2018 là “ưu tiên tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho lao động của 3 nghề đặc thù mỏ hầm lò. Đối với học sinh thuộc chỉ tiêu của doanh nghiệp đang học tại trường tổ chức đánh giá kỹ năng nghề ngay sau khi tốt nghiệp khóa học”.
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, ngay từ đầu năm 2017 Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để triển khai công tác đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp đặc biệt là đối với các công việc, ngành nghề nằm trong danh mục bắt buộc phải đánh giá kỹ năng nghề theo quy định tại Nghị định 31/2015 của Chính phủ quy định. Đối với 3 nghề mỏ thuộc các đơn vị trong TKV và TCty Đông Bắc tính đến hết tháng 12/2017 đã tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho 20.500 lao động các nghề, trong đó số lượng người lao động 3 nghề mỏ hầm lò chiếm tỷ lệ trên 90%. Dự kiến đến tháng 6/2018 Trường và các đơn vị có sử dụng lao động 3 nghề mỏ hầm lò sẽ cơ bản hoàn thành công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động 3 nghề trên.
Song song với công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề đối với những nghề đặc thù mỏ hầm lò có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, trong những năm qua Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã tiếp tục đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, các trang thiết bị và đào tạo đánh giá viên để tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động các nghề khác, đến nay nhà trường đã được Bộ Lao động thương binh và xã hội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 8 nghề gồm: (1) Kỹ thuật Khai thác mỏ hầm lò; (2) Kỹ thuật Xây dựng mỏ hầm lò; (3) Kỹ thuật Cơ điện mỏ hầm lò; (4) Điện Công nghiệp; (5) Hàn; (6) Giám định khối lượng và Chất lượng than; (7) Công nghệ Ô tô; (8) Sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò.
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 52, Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13, quy định đối với người sử dụng lao động: “Chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định”, cùng với các văn bản quy định khác của Nhà nước về cơ chế chính sách đối với người sử dụng lao động và người lao động được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, sẽ dần hình thành và thúc đẩy quá trình tự nguyện bồi dưỡng, tự đăng ký đánh giá kỹ năng nghề quốc gia của cá nhân nhằm khẳng định tay nghề của mình, chủ động tham gia vào thị trường lao động.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam.
Hiện nay công tác giáo dục nghề nghiệp và định hướng giáo dục nghề nghiệp cho lao động trẻ đang đứng trước đòi hỏi cấp bách để đáp ứng, cung cấp nguồn lao động cho doanh nghiệp. Công tác đánh giá kỹ năng nghề quốc gia thực chất là quá trình ôn luyện, củng cố, bổ sung, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng thực hành để nâng cao tay nghề, nâng cao ý thức thái độ của người lao động từ bậc thấp đến bậc cao trong từng nghề, do đó nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tạo nên môi trường học tập, rèn luyện liên tục (học tập suốt đời) cho người lao động. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó để thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định của Nhà nước trong năm 2018 và những năm tiếp theo, ngoài sự chủ động của nhà trường và các doanh nghiệp rất cần các cơ quan quản lý tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp đó là:
Một là: Đối với Sở lao động tỉnh và Tập đoàn cần tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn có sử dụng lao động chủ động phối hợp với nhà trường triển khai công tác đánh giá kỹ năng nghề đối với các nghề trên trong năm 2018 và các năm tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng được yêu cầu cung cấp nhân lực cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hai là: Đề nghị với Bộ Lao động thương binh và xã hội có định hướng quy hoạch các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề theo ngành hoặc vùng để đảm bảo chất lượng công tác đánh giá, tránh việc đăng ký thành lập đối với các cơ sở, tổ chức không đủ điều kiện về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc biệt là đối với những nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về công tác an toàn theo quy định tại Nghị định 31/2015 và các văn bản pháp luật hiện hành.
Ba là: Trong công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cần nghiên cứu phân cấp hợp lý các khâu công việc giữa Bộ Lao động thương binh và xã hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các Sở Lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện.
Như vậy, từ năm 2014 tiền thân là Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm được thành lập từ năm 1960 được sát nhập với các đơn vị: Trường Cao đẳng nghề mỏ Hữu Nghị - Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc đổi tên thành Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam với các chính sách, định hướng phát triển vững vàng đã và đang trở thành cơ sở đáng tin cậy cho người lao động và doanh nghiệp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét