Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Thái Nguyên: Điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư

(Xây dựng) - Với địa thế thuận lợi, nhiều tiềm năng và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, Thái Nguyên đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điểm đến của nhà đầu tư

Với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân, tỉnh Thái Nguyên dần trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, trong đó nổi bật là việc thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín cả trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 900 dự án đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD; diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 9.000ha và khoảng 100.000 lao động, trong đó có trên 120 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 7,2 tỷ USD. Tỉnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp, doanh nhân từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Đức… đến tìm hiểu đầu tư.


Trong 9 tháng năm 2017 Thái Nguyên cấp chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 6,86 triệu USD.

Trong 9 tháng năm 2017 Thái Nguyên đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 511 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 2.983 tỷ đồng. Theo đó, số doanh nghiệp đang hoạt động đến thời điểm báo cáo là 5.731 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 62.225 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực, trong 9 tháng năm 2017 Thái Nguyên cũng đã quyết định chủ trương đầu tư mới cho 51 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 3.706 tỷ đồng; cấp chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 6,86 triệu USD. Cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn cho 12 dự án, tổng vốn đầu tư 70,432 triệu USD và 15 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 128 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 7,3 tỷ USD (tương đương khoảng 162 nghìn tỷ đồng).

Thái Nguyên đang triển khai nhiều dự án lớn như: Cải tạo chỉnh trang đô thị TP Thái Nguyên; dự án Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc; các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu; nghĩa trang An Lạc Viên; Trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup...

Thái Nguyên đã chỉ đạo và thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, từ đó tạo động lực để tổ chức, huy động tốt các nguồn lực trong xã hội, thực hiện nhiều hình thức đầu tư được khuyến khích như đối tác công tư PPP, các dự án đầu tư vừa nhanh vừa hiệu quả.

Thái Nguyên đang tích cực triển khai dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt an toàn khu Định Hóa, qua đó tạo sức đột phá trong phát triển du lịch, tạo mắt xích quan trọng trong việc kết nối với các khu du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái ở phía Bắc.

Xác định mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ mang tính nền tảng cho sự phát triển bền vững, những năm qua Thái Nguyên tích cực hoàn thiện hạ tầng đô thị, trong đó có sự gắn kết giữa phát triển đô thị và phát triển Nông thôn mới giữa các vùng miền để bảo đảm động lực phát triển chung. Chủ trương thúc đẩy phát triển đô thị nhưng phải bảo đảm sự phát triển bền vững, theo đúng quy hoạch đồng thời phải gắn với an ninh xã hội, nhằm phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Thái Nguyên đang chú trọng nghiên cứu, đầu tư xây dựng đô thị thông minh với sự kết hợp giữa không gian đô thị và mạng lưới công nghệ thông tin được áp dụng vào mọi hoạt động ở tất cả các khâu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và đời sống cộng đồng.

Là địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, hiện nay Thái Nguyên đang quy hoạch, tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó tập trung vào việc phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm nuôi trồng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn, đặc biệt là Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình có diện tích đất trên 8.000ha với điểm nhấn là Khu nông nghiệp công nghệ cao AgroPark Yên Bình là mô hình sản xuất nông nghiệp liên hợp, cho phép phối hợp nhiều hoạt động nông nghiệp khác nhau, tạo nên hệ thống cải tiến liên hoàn trong sản xuất, chế biến và vật tư nông nghiệp. Nếu được phê duyệt và triển khai, đây sẽ là một mô hình mới, hoàn chỉnh về nông nghiệp công nghệ cao, phát triển theo mô hình nông nghiệp tiên tiến trên thế giới kết hợp với ưu thế của địa phương để tạo thành một khu nông nghiệp hiện đại.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để bảo đảm thời gian cho tất cả các lĩnh vực chỉ bằng 1/10 thời gian so với quy định; chủ động tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, doanh nghiệp với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, về thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận với vốn vay ưu đãi của các ngân hàng, chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp theo quy định; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong xúc tiến thị trường, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy thị trường bất động sản, dự án khu đô thị, khu dân cư; cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện gắn với tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng quy trình và các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư…

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Không chỉ ở cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành của Thái Nguyên cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn

Để hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh các chương trình nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm. Thông qua việc tổ chức các chương trình hội thảo, xúc tiến đầu tư đã góp phần giúp cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó nhiều chương trình nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tổ chức như: “Hội thảo Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm địa phương, định hướng đến chuẩn chất lượng sản phẩm”, phát động phong trào thi đua “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp – doanh nhân”, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của các doanh nghiệp trên kỷ yếu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2016”; cung cấp các thông tin về tỉnh, tình hình đầu tư, thu hút đầu tư, kết nối giữa các doanh nghiệp nhằm kêu gọi đầu tư và chắp nối với các doanh nghiệp quốc tế trên cổng thông tin điện tử của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương...

Bên cạnh các tiềm năng lợi thế sẵn có, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh với mức ưu đãi tốt nhất theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nhiều chính sách ưu đãi có lợi cho nhà đầu tư nhằm thu hút, mời gọi các các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn vào Thái Nguyên đã được áp dụng như: Các chính sách về thu hồi đất, tiến độ giao đất, giao mặt bằng, cho thuê đất để thực hiện đầu tư; Hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án; Hỗ trợ tư vấn các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư; Hỗ trợ xúc tiến thương mại; Các chính sách ưu đãi về giá thuê đất và miễn tiền thuê đất; Ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; Hỗ trợ đào tạo nghề đối với các dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư của tỉnh; Hỗ trợ về chuyển giao, ứng dụng công nghệ... Điều này đã tạo ra một động lực mới trong thu hút đầu tư.

Thái Nguyên cũng đã xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết: Trong khi nguồn lực từ ngân sách còn nhiều khó khăn, chúng tôi sớm có nhận thức là phải huy động nhiều nguồn lực đầu tư mà pháp luật cho phép. Thái Nguyên đã áp dụng nhiều hình thức đầu tư vừa đảm bảo đúng luật vừa tranh thủ được các nhà đầu tư có năng lực. Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo các cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực với phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”. Tỉnh tăng cường đối thoại giải quyết kịp thời các chính sách có liên quan đến phát triển doanh nghiệp như thuế, hải quan, đất đai, những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính để cho doanh nghiệp giảm các chi phí không chính thức, giảm chi phí trung gian để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Kịp thời huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các cơ chế đầu tư mới như PPP, thu hút đầu tư nước ngoài và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng lòng của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tin rằng Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế ­ xã hội và tiếp tục là điểm đến, địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nguyễn Thành Vân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét