Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Xe container đâm dải phân cách, vành đai 3 Hà Nội ùn tắc nhiều giờ

Sáng nay, một chiếc container đâm vào dải phân cách đường trên cao khiến vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển (Hà Nội) bị tắc nghiêm trọng.

Khoảng 4h30 sáng 6/3, một chiếc container đi hướng từ cầu Thanh Trì về phía cầu Thăng Long (Hà Nội), khi đến đoạn chuyển làn xuống đường Trần Duy Hưng thì đâm vào dải phân cách.

Vụ tai nạn gây ùn tắc nghiêm trọng vì đúng khung giờ cao điểm với hàng nghìn phương tiện lưu thông trên đường.

Hầm chui hướng từ Thanh Xuân về Ngã Tư sở cũng bị ảnh hưởng, người tham gia giao thông không thể di chuyển.

Ở lối đi vào đường trên cao, các đoàn ôtô, xe máy cũng rồng rắn nhích từng cm.

Từ 7h đến 10h30, tình trạng tắc nghẽn vẫn chưa được cải thiện. Đường Nguyễn Xiển đông cứng cả bên dưới và đường trên cao.

Nhiều người phải rời ôtô, cuốc bộ từ đường trên cao xuống để đến công sở.

Lái xe Đào Trọng Tuệ cho biết anh mất 2 tiếng để đi từ cầu Thanh Trì tới ngã tư Nguyễn Xiển.

Dù cảnh sát giao thông đã có mặt để giải quyết vụ việc, chiếc container được đưa đi nhưng sau gần 4 tiếng, giao thông vẫn chưa trở lại bình thường.


Theo Hoàng Thành (Video:Huy Mạnh)/vnexpress.net

Sập nhà tại Philippines, ít nhất 60 người thương vong

Đã có ít nhất 5 công nhân thiệt mạng và 55 người khác bị thương trong vụ sập một công trình xây dựng 4 tầng tại thành phố Cebu, miền Trung Philippines, xảy ra rạng sáng nay 6/3.


Hiện trường vụ sập nhà. (Nguồn: sunstar.com.ph)

Theo Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Philippines, số người thiệt mạng có thể còn tăng khi nhiều người bị thương rất nặng.

Công tác cứu hộ đang diễn ra hết sức khẩn trương do còn nhiều người mắc kẹt trong đống đổ nát. Số liệu ban đầu cho biết vào thời điểm xảy ra thảm họa, trong tòa nhà này có ít nhất 153 người ngủ qua đêm.

Trong khi đó, cùng ngày, một tai nạn giao thông đường bộ thảm khốc tại bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 người.


Theo TTXVN/VIETNAM+

Lương bình quân ở TP HCM cao nhất nước

Trung bình gần 10,4 triệu mỗi tháng, TP HCM là nơi có mức lương lao động cao nhất, trong khi Hà Nội xếp thứ 5.


Ảnh minh họa

Theo Báo cáo lương năm 2017 vừa được cổng thông tin việc làm trực tuyến VietnamWorks công bố, TP HCM giữ vị trí cao nhất về mức lương trung bình trên toàn quốc. Mỗi lao động tại đây trung bình đạt 456 USD (gần 10,4 triệu đồng mỗi tháng và khoảng 124 triệu đồng một năm).

So với lao động cả nước (6,5 triệu đồng), mức lương trung bình của lao động TP HCM cao hơn khoảng 38%.

Đà Nẵng vươn lên vị trí thứ hai với trung bình hơn 10,2 triệu đồng mỗi người một tháng; Bình Dương và Bắc Ninh lần lượt xếp ở hai vị tiếp theo với 10,1 triệu đồng và hơn 9,5 triệu đồng.

Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội chỉ đứng ở vị trí thứ 5 với trung bình lương của một lao động khoảng 9,3 triệu đồng mỗi tháng.

Bản báo cáo này dựa trên việc phân tích số liệu trên trang VietnamWorks từ 1/1 đến 31/12/2017. Mỗi năm có hơn 4,7 triệu hồ sơ ứng tuyển gửi đến 95.000 công việc đăng tuyển trên website này. Mỗi nhà tuyển dụng khi đăng tuyển được yêu cầu điền vào mục mức lương tối thiểu và mức lương tối đa cho vị trí đăng tuyển.


Theo Trung Sơn/Vnexpress.net

Ngành đường sắt cần 7.000 tỷ đồng để nâng cấp tốc độ chạy tàu

Dự kiến, lĩnh vực vực đường sắt sẽ ưu tiên bố trí 7.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương trung hạn 2016 -2020. Để đảm bảo phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của nguồn vốn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã xem xét nghiên cứu lựa chọn cải tạo, nâng cấp 4 công trình thiết yếu tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2017-2020.


Tốc độ chạy tàu và tải trọng của đoàn tàu trên tuyến Bắc-Nam vẫn chưa được đồng nhất do sự lạc hậu về hạ tầng. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; đoạn Nha Trang-Sài Gòn tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Dự án cải tạo, nâng cấp các hầm yếu và các công trình thiết yếu đoạn Vinh-Nha Trang tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Với 1.726km chạy qua 26 tỉnh thành phố từ Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà ga lớn đều nằm ở giữa trung tâm và kết nối với các đô thị của các tỉnh, thành. Vì thế, tuyến đường sắt này đã và đang là tuyến chủ đạo về kinh doanh vận tải của ngành đường sắt nên việc tập trung cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt nhằm nâng cao sản lượng và doanh thu của ngành.

Để có thể thực hiện, VNR tập trung ưu tiên lựa chọn thực hiện các công trình thiết yếu như đảm bảo an toàn; đồng nhất tải trọng toàn tuyến; giải quyết các bất cập của kết cấu hạ tầng làm hạn chế đến năng lực vận tải; nâng cao hiệu suất, hiệu quả khai thác mà ít phải giải phóng mặt bằng và đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Theo đó, VNR sẽ cải tạo, nâng cấp 111 cầu yếu chưa đạt tải trọng 4,2 tấn/m hoặc các cầu đã xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn, đồng nhất tải trọng và nâng cao tốc độ chạy tàu.

Lãnh đạo VNR cho rằng, các cầu trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng cách đây hơn 100 năm, với tải trọng thiết kế thấp đến nay dầm bê tông cốt thép đã bị nứt nẻ phong hoá, dầm thép bị han rỉ nặng. Chưa kể, khu đoạn Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh tải trọng các cầu là 3,6 tấn/m.

“Việc thực hiện nâng cấp, cải tạo các cầu yếu này nhằm mục tiêu đồng nhất tải trọng 4,2 tấn/m, đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu đạt bình quân 80 km/giờ. Sau khi đồng nhất tải trọng 4,2 tấn/m trung bình mỗi xe hàng sẽ chở tăng thêm 8,4 tấn hàng (với đoàn tàu kéo 25 toa xe sẽ tăng thêm được khoảng 140 tấn hàng), tăng năng lực chuyên chở, tận dụng năng lực sức kéo dư thừa, đảm bảo tăng doanh thu cho ngành, hiệu quả nguồn vốn đầu tư,” lãnh đạo VNR phân tích.

Ngoài ra, VNR sẽ thực hiện cải tạo, mở thêm đường số 3 đối với 7 ga; kéo dài đường ga đảm bảo chiều dài dùng được hơn 400m đối với 27 ga; mở mới 12 ga và trạm nhường tránh để giải quyết nút thắt về vận tải.

“Dự án này đảm bảo đồng nhất về tiêu chuẩn chiều dài trọng lượng đoàn tàu trên toàn tuyến Bắc-Nam, góp phần tăng năng lực thông qua (từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm), rút ngắn thời gian quay vòng toa xe,” phía VNR đánh giá.

VNR cũng dự kiến thực hiện cải tạo nền đường, thay thế tà vẹt, ray, ghi, đường cong bán kính nhỏ hơn 300m của 400km/tổng số 1.726km để đảm bảo an toàn và nâng tốc độ chạy tàu.


Công nhân ngành đường sắt đang tiến hành sửa chữa cụm ghi. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo báo cáo của VNR, đến nay, 99% nền đường chưa được cải tạo nâng cấp nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và vận tải đường sắt hiện tại. Hầu hết, nền đường được đưa vào khai thác từ thời Pháp, thiết kế cho tải trọng nhỏ (nhỏ 400 tấn so với 1.200 tấn hiện tại), mật độ chạy tàu thấp, chạy qua nhiều địa hình và thường xuyên bị bão lũ tàn phá nên các kết cấu tầng (tà vẹt, ghi, thanh ray) gồm nhiều chủng loại bị xuống cấp trầm trọng dẫn đến làm tốc độ chạy tàu và sức kéo của đầu máy giảm.

Đặc biệt, trên tuyến có 27 hầm, được xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay đã bị phong hoá, vòm hầm bị nứt, rỉ nước. Nhiều hầm nằm trên bán kính đường cong nhỏ, độ dốc lớn làm tầm nhìn hạn chế. Thời gian qua, VNR đã cải tạo được 5 hầm, còn 11 hầm rất yếu với chiều dài khoảng 3.300m cần thiết phải đầu tư cải tạo.

Bên cạnh đó, VNR cũng tính toán phải xây dựng 42km hàng rào, đường gom để đóng các lối đi dân sinh đảm bảo an toàn giao thông; cải tạo mái che ke ga tại 13 ga có lưu lượng hành khách đi tàu lớn.


Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)

Mùa Hè nóng kỷ lục ở New Zealand, nhiệt độ chạm 40 độ C

New Zealand vừa trải qua một mùa Hè nóng kỷ lục, theo đó cơ quan nghiên cứu khoa học của chính phủ nước này ngày 6/3 cảnh báo hiện tượng này sẽ lặp lại nếu biến đổi khí hậu không giảm sút.


Ảnh minh hoa. (Nguồn: Stuff)

Theo số liệu của Viện nghiên cứu quốc gia về Nước và Khí quyển (NIWA), nhiệt độ trung bình hàng ngày trong mùa Hè vừa qua lên tới 18,8 độ C, cao hơn 2,1 độ C so với nền nhiệt thông thường.

Nhiệt độ ở khu vực Đảo Nam lên tới 38,7 độ C. NIWA cho biết đây là mùa Hè nóng nhất ở New Zealand kể từ năm 1909 khi nước này bắt đầu lưu giữ số liệu thời tiết.

Chuyên gia dự báo thời tiết tại NIWA Chris Brandolino cho rằng hiện tượng Trái Đất ấm dần lên đã khiến nền nhiệt ở quốc gia Nam bán cầu này tăng lên cao trong một thời gian dài, thêm vào đó là nhiệt độ nước biển cao hơn thường lệ và các luồng gió nóng từ phương Bắc thổi tới do tác động của hình thái thời tiết La Nina cũng góp phần làm tăng nhiệt độ ở New Zealand.

Ông Brandolino cảnh báo trong những năm tới New Zealand có thể tiếp tục phải ghi nhận những kỷ lục nắng nóng nếu không giải quyết được những nhân tố dẫn tới biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Nhiệt độ cao kỷ lục khiến Chính phủ New Zealand phải ban bố tình trạng hạn hán cấp trung ở một số khu vực và hỗ trợ nông dân đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Thủ tướng Jacinda Ardern đã đặt mục tiêu đến năm 2050 New Zealand không còn khí thải carbon.


Theo TTXVN/VIETNAM+

Không hạn chế số lượng cơ sở kinh doanh vắc xin

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Y tế cấp phép cho nhiều doanh nghiệp được kinh doanh vắc xin phòng bệnh, xóa bỏ kinh doanh độc quyền để có sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng cung ứng vắc xin, dịch vụ phục vụ nhân dân trong phòng chống dịch bệnh.


Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:

Tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý dược, không có bất kỳ quy định nào hạn chế số lượng cơ sở kinh doanh vắc xin. Tuy nhiên, vắc xin là mặt hàng đặc biệt do chất lượng, độ an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin phụ thuộc lớn vào điều kiện bảo quản. Vắc xin cần được duy trì nghiêm ngặt điều kiện bảo quản lạnh hoặc âm sâu trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển từ nhà sản xuất đến cơ sở nhập khẩu, cơ sở bán buôn và cơ sở tiêm chủng.

Chính vì vậy mà kho bảo quản và phương tiện vận chuyển vắc xin đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng, dẫn đến chi phí đầu tư của doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng vắc xin nói chung và vắc xin dịch vụ tại Việt Nam đa phần là trẻ em khỏe mạnh, do đó, các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến việc đảm bảo chất lượng vắc xin càng được chú trọng (ví dụ: Quy định từng lô vắc xin phải được Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định cũng phần nào làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp).

Ngoài ra, công nghệ sản xuất vắc xin cũng đòi hỏi chi phí đầu tư cho nghiên cứu và nhà xưởng lớn gấp nhiều lần so với thuốc thường. Do đó, số lượng công ty sản xuất vắc xin trên toàn thế giới cũng rất hạn chế, ví dụ theo số liệu do WHO cung cấp thì đến thời điểm này, trên toàn cầu chỉ có 2 nhà sản xuất vắc xin phòng 6 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm não mô cầu do Hib), 2 nhà sản xuất vắc xin phòng bệnh phế cầu cho trẻ từ 6 tuần tuổi… Nguồn cung vắc xin trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không đa dạng như các thuốc hóa dược.

Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong điều hành để ngăn chặn sự độc quyền trong cung ứng vắc xin. Vì vậy, trong 2 năm trở lại đây, không xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin do độc quyền. Chất lượng vắc xin cho tiêm chủng dịch vụ và Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cũng được đảm bảo phục vụ công tác phòng bệnh của nhân dân.


Theo Baochinhphu.vn

Điều trị sau ghép thận có được hưởng BHYT?

Bà Bảo Linh (TPHCM) hỏi: Những người bị suy thận được hưởng BHYT, vậy những người sau ghép thận có được hưởng BHYT nữa không? Nếu được thì phải làm thủ tục gì?


Ảnh minh họa

Về vấn đề này, BHXH TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau:

Khoản 1, Điều 21 Luật BHYT quy định, người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, chi phí điều trị suy thận hoặc sau ghép thận nếu có trong danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sẽ được hưởng BHYT theo phạm vi và mức hưởng BHYT theo quy định của Luật.

Theo bhxhtphcm.gov.vn

Quy định về thời hạn xóa lịch sử nợ xấu

Chồng của bà Vương Thị Tuyên trước đây có vay vốn tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trả góp cả gốc và lãi theo tháng, việc trả nợ tích cực. Sau đó, do công việc, chồng bà đã thanh toán chậm khoản vay.


Ảnh minh họa

Khi nhận được thông báo từ VPBank, bà Tuyên đã tất toán khoản vay vào ngày 23/1/2018. Tuy nhiên chồng bà bị phân loại vào nhóm nợ xấu do Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) cung cấp khiến bà không thể vay vốn kinh doanh.

Bà Tuyên đề nghị cơ quan chức năng xem xét và hỗ trợ để bà được vay vốn trở lại.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Theo phản ánh của bà Tuyên và dữ liệu do Fe-Credit báo cáo, việc chồng bà chậm thanh toán trên 180 ngày, với số tiền 19 triệu đồng nên bị Fe-Credit phân loại vào nhóm nợ xấu (nhóm 3, nhóm 4) là đúng quy định tại Điều 10 Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 23/1/2018, bà đã tất toán khoản vay, hiện tại khách hàng không còn dư nợ và nợ xấu tại Fe-Credit. Tuy nhiên, về lịch sử quan hệ tín dụng chồng bà có lịch sử nợ xấu (dư nợ 19 triệu đồng) vẫn được CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng trong thời gian 1 năm kể từ ngày tất toán khoản vay.

Việc quyết định cấp tín dụng hoặc từ chối yêu cầu cấp tín dụng là quyền tự chủ của tổ chức tín dụng, thông tin do CIC cung cấp là một kênh tham khảo nhằm đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng để có chính sách cấp tín dụng phù hợp, không phải là lý do chính từ chối cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.


Theo Baochinhphu.vn

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mời gọi DN Hoa Kỳ

Chiều 5/3, tại Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chương trình “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018”.


7 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giới thiệu tiềm năng, kêu gọi DN Hoa Kỳ tới đầu tư tại địa phương mình. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đây là cơ hội cho các địa phương và doanh nghiệp (DN) hai bên trao đổi, giới thiệu và quảng bá tiềm năng, lợi thế và cơ hội hợp tác, qua đó giúp tăng cường kết nối, nhất là về kinh tế, thương mại.

Tại chương trình, lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã kêu gọi các DN Hoa Kỳ đầu tư trên các lĩnh vực mà các địa phương mình có nhiều tiềm năng, thế mạnh.

Quảng Bình: Ưu tiên lĩnh vực năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh có tiềm năng về đất đai, cường độ bức xạ, số giờ nắng trong năm, tốc độ gió để phát triển điện năng lượng mặt trời và điện gió.

Hiện nay, tỉnh đang lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời và điện gió giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035, sẽ hoàn thành, trình Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2018.

Để phát triển công nghiệp theo mục tiêu đề ra, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Bình thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cho DN đến đầu tư. Ngoài cơ chế chung, tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư riêng cho DN về tiền thuế đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động...

Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, Quảng Bình mong muốn được đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Tỉnh. cam kết sẽ làm hết sức mình thực sự sát cánh, đồng hành cùng DN và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Thừa Thiên-Huế: Phát triển dịch vụ logistics cảng Chân Mây

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cảng nước sâu Chân Mây là một trong 7 cảng đầu mối khu vực loại I của miền Trung; là cảng có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển logistics.

Hiện nay, cảng Chân Mây đã đưa vào hoạt động bến số 1 với chiều dài 360 m, tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT; đang xây dựng bến số 2 có chiều dài 280 m, hoàn thành vào quý I/2020 và bến số 3 dài 270 m, hoàn thành vào quý IV/2018, có năng lực tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT.

Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, sự kết nối và chia sẻ của hệ thống cảng biển nước sâu miền Trung, hệ thống logistics các tỉnh miền Trung chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.

Tính đến nay, các DN Hoa Kỳ đã đầu tư vào Thừa Thiên-Huế 16 dự án, tổng vốn đăng ký 53 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực CNTT, dệt may. Năm 2017, các DN Thừa Thiên-Huế đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 422 triệu USD gồm các mặt hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt.

Với những kết quả hợp tác kinh tế đã đạt được, Thừa Thiên-Huế mong muốn cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, các hiệp hội DN, nhà đầu tư Hoa Kỳ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư khai thác dịch vụ logistics tại cảng Chân Mây.

Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định với DN Hoa Kỳ rằng: Những năm sắp tới Đà Nẵng chú trọng kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, công nghiệp công nghệ cao, CNTT. Đối với DN Hoa Kỳ, Thành phố muốn kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC).

Khu CNC Đà Nẵng là 1 trong 3 khu CNC của Việt Nam. Với diện tích 1.284 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, khu CNC này hiện thu hút được 10 dự án với 250 triệu USD, dự kiến trong năm 2018 sẽ thu hút thêm 10 dự án nữa với tổng số vốn 300 triệu USD.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi khi đầu tư vào KCN Đà Nẵng như miễn thuê đất dự án, áp dụng thuế suất 10% trong nhiều năm, được hưởng các thuế suất nhập khẩu... Năm 2018 Đà Nẵng cũng đã thống nhất lựa chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, do đó Thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN Hoa Kỳ đến tìm hiểu đầu tư tại Đà Nẵng, nhất là Khu CNC.

Quảng Ngãi: Đầu tư vào công nghiệp lọc hoá dầu

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh có 504 dự án trong và ngoài nước đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 12,9 tỷ USD. Riêng Hoa Kỳ có 2 dự án với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD.

Hiện nay Quảng Ngãi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Từ dòng dầu khai thác từ mỏ Cá voi xanh, Thủ tướng đã cho phép vào Quảng Nam một nhánh và Quảng Ngãi một nhánh để phát triển lọc hoá dầu.

“Quảng Ngãi mong muốn các DN Hoa Kỳ đầu tư vào công nghiệp, nhất là công nghiệp lọc hoá dầu. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư thành công và coi sự thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của chính mình”, ông Trần Ngọc Căng khẳng định.

Quảng Nam: Muốn trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế

Trao đổi tại chương trình, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam gửi gắm đến DN Hoa Kỳ về mong muốn biến sân bay Chu Lai trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế.

Ông Thanh khẳng định: “Từ năm 2015, khi sân bay Chu Lai được cho phép đủ điều kiện tiếp đón các máy bay hạng nặng, thì tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Hiện nay sân bay đang được tập trung mở rộng”.

Theo quy hoạch mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về hàng không mới được ban hành, sân bay Chu Lai được quy hoạch là sân bay lớn, có thể tiếp đón các máy bay hạng nặng, công suất đến năm 2030 đón khoảng 5 triệu lượt khách, 4 triệu tấn hàng hoá/năm.

Quảng Nam mong muốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đầu tư hạ tầng sân bay Chu Lai như đường băng và một số công trình phụ trợ khác để đảm bảo việc xây dựng sân bay trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế về hàng hoá, chế tạo các linh kiện phục vụ cho ngành hàng không và các dịch vụ sửa chữa hàng không.

“Theo tính toán của các chuyên gia, với bán kính 3.000 km, sân bay Chu Lai có thể bao phủ đến được các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore… nên chúng tôi mong muốn được các DN Hoa Kỳ quan tâm đầu tư để biến sân bay Chu Lai trở thành tổ hợp phát triển logistics về hàng không phục vụ cho tất cả các nước Đông Nam Á và châu Á”, ông Thanh nhấn mạnh.

Tại buổi gặp này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh, thành phố miền Trung trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đại sứ cho rằng, chỉ số PCI là một nhân tố quan trọng để các DN Hoa Kỳ quyết định lựa chọn hợp tác, đầu tư với Việt Nam nói chung, cũng như các địa phương tại miền Trung Việt Nam nói riêng.

Đại sứ cam kết, trên cương vị của mình sẽ nỗ lực góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung và hợp tác với các tỉnh miền Trung nói riêng, đặc biệt là về thương mại và đầu tư.


Theo Lưu Hương/Baochinhphu.vn

Thủ tướng: Lời nói trái tai nhưng là lời báo động, cần lắng nghe

Sáng nay, dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (2008 – 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nhiều khi các bộ, ngành nghe những lời nói trái tai nhưng là những lời báo động, cần lắng nghe từ Ủy ban GSTCQG. Lời nói trung thực thường là tốt, là cần thiết đối với mọi cán bộ, mọi tổ chức chúng ta.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lời nói trái tai nhưng là lời báo động, cần lắng nghe từ Ủy ban GSTCQG - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhớ lại việc thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban) vào thời điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, Thủ tướng cho rằng, chặng đường 10 năm tuy không dài nhưng chúng ta chứng kiến nhiều sự kiện lớn, trong đó có quá trình nỗ lực của cả nước phục hồi và phát triển kinh tế trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và suy thoái này.

“Tôi vẫn nhớ, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nguồn nhân lực còn hạn chế, ngay ngày đầu thành lập, tập thể cán bộ, công chức Ủy ban dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Thúy đã nỗ lực nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định hệ thống tài chính ngân hàng”, Thủ tướng nói. Nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo Ủy ban tại các cuộc họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng luôn nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao và lưu ý trong quá trình kết luận chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới khó lường hiện nay cùng với những bất cập trong nội tại nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trong đó có Ủy ban là rất nặng nề. Thị trường tài chính, tiền tệ cần phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện, hiệu quả hơn, an toàn hơn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, Ủy ban cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, tập trung nghiên cứu, phát huy sức sáng tạo của tập thể và từng cán bộ, công chức, kịp thời tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là về ổn định kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường tài chính, đề xuất kịp thời những đối sách trước những biến động của tình hình quốc tế, trong nước, không để bị động, bất ngờ, nhất là ổn định hệ thống ngân hàng thương mại, chứng khoán, bất động sản hiện nay.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.

Đó là chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan; thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng của nền kinh tế; trong đó, 2 lĩnh vực chính là kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường tài chính.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Ủy ban phải đặc biệt lưu ý có cách làm mới, hiệu quả hơn, có phương pháp mới để phát huy năng lực của hơn 100 cán bộ, công chức. Phải bảo đảm từng người làm việc hiệu quả, có kế hoạch làm việc, có sản phẩm cụ thể gắn với đánh giá cán bộ. Không để đông mà không có sản phẩm.

Thủ tướng đề nghị Ủy ban tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ủy ban thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Về việc xây dựng cơ chế điều phối giám sát và giám sát chung thị trường tài chính, mối quan hệ giữa cơ quan giám sát chung và các cơ quan giám sát chuyên ngành, vai trò của từng cơ quan giám sát, Thủ tướng giao Ủy ban chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước để đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình, nhất là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường tài chính, các hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, trong đó gồm cả công cụ xác định rủi ro và các tiêu chí đánh giá an toàn hệ thống tài chính, bảo đảm từng bước theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chủ động hơn, kịp thời hơn trong tham mưu đề xuất các giải pháp ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; thường xuyên cập nhật, phân tích, báo cáo tình hình tài chính quốc tế, trong nước cả về các thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và có đề xuất tham mưu kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Trước tình hình thế giới khó lường hiện nay cùng với những bất cập trong nội tại nền kinh tế, không được chủ quan, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ủy ban chú trọng nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá, dự báo, tham mưu, tổng hợp về điều hành kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

“Tôi có nghe nhiều nước trong khu vực áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm rủi ro về vĩ mô và thị trường tài chính một cách khá hiệu quả. Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu, báo cáo đề xuất cụ thể với Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nêu rõ.

Ủy ban cần có một số hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia, diễn giả quốc tế, trong nước, tập trung bàn sâu về những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách của đất nước để kịp thời tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban cần chủ động phối hợp hiệu quả với các bộ, cơ quan giám sát chuyên ngành trong việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các tập đoàn tài chính, ngân hàng và cơ chế giám sát các tập đoàn này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Ủy ban cần tập trung phối hợp làm tốt, kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.


Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Ủy ban GSTCQG - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh đó, Ủy ban cần quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, tinh giản biên chế nhưng chất lượng cán bộ phải tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, có báo cáo chất lượng tốt hơn, kịp thời hơn.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý, chất lượng nguồn nhân lực của Ủy ban có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến chất lượng tham mưu, tư vấn. Không cần quá đông người nhưng phải tinh, phải bảo đảm chất lượng. Lãnh đạo Ủy ban cần có chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phù hợp.

Đồng thời, cần làm tốt các mặt công tác Đảng, đoàn thể; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho anh em, có môi trường tốt nhất cho anh em nghiên cứu, trình bày những quan điểm, phát hiện những vấn đề mới để báo cáo lãnh đạo Ủy ban và Chính phủ, nhất là số anh em trẻ, được đào tạo bài bản.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban trên các mặt công tác. Nhiều khi các bộ, ngành nghe những lời nói trái tai nhưng là những lời báo động, cần lắng nghe từ Ủy ban GSTCQG. Lời nói trung thực thường là tốt, là cần thiết đối với mọi cán bộ, mọi tổ chức chúng ta, Thủ tướng chia sẻ.

Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban GSTCQG cho rằng, việc thực thi chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban trong thời gian qua cũng như trong giai đoạn tới còn rất nhiều khó khăn do địa vị pháp lý chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, công tác giám sát chung thị trường tài chính, giám sát các tập đoàn tài chính, điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia là những nhiệm vụ mới ở Việt Nam; đòi hỏi cần tiếp cận cơ sở dữ liệu kịp thời, đầy đủ, tiếp cận các đối tượng giám sát trên nhiều phương diện...

Theo ông Trương Văn Phước, một cơ sở pháp lý vững chắc hơn sẽ cung cấp cho Ủy ban điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận hiệu quả các nguồn thông tin này; từ đó tăng hiệu quả và hiệu lực thực thi các chức năng, nhiệm vụ được giao. Ông Trương Văn Phước cho biết, Ủy ban sẽ sớm ứng dụng và công bố thêm các mô hình cảnh báo sớm, các dự báo khoa học và thực tiễn, góp phần duy trì niềm tin của thị trường, nhà đầu tư, người gửi tiền.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Ủy ban và và các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước cho một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ủy ban qua các thời kỳ.


Theo Đức Tuân/Baochinhphu.vn

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Nhiều bị cáo vụ vỡ đường ống nước sông Đà kêu oan với bản giám định

Chiều 5-3, phiên toà xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà tiếp tục với phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử (HĐXX) đối với các bị cáo.

Trả lời HĐXX về trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án này với vai trò là chủ đầu tư, bị cáo Nguyễn Văn Khải (57 tuổi, cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) khai, bị cáo kiểm tra ống và phụ kiện theo hợp đồng kinh tế đã ký theo 5 tiêu chuẩn cụ thể.


Bị cáo Nguyễn Văn Khải.

Về việc đường ống nước bị vỡ 18 lần sau khi tiếp nhận, trong đó kết luận của Bộ Xây dựng chỉ rõ, chỉ có 5 tiêu chuẩn so với 7 tiêu chuẩn quy định, bị cáo Khải cho rằng “Kết luận giám định chưa thật sự thuyết phục. Bởi nếu phân định rạch ròi các bên thì phải tính cả chủ đầu tư, nhà chế tạo sản phẩm, người thiết kế. Ban quản lý dự án Chịu trách nhiệm xây dựng, kiểm soát chất  lượng ống. Bị cáo cùng một số bị cáo khác ký 73 biên bản nghiệm thu. Bị cáo khẳng định, 5 yêu cầu là đủ, còn 2 yêu cầu là thiết kế thì phải làm trước”.

Theo bị cáo Khải thì vụ vỡ ống do liên quan nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chứ không đơn thuần là do chất lượng ống. Bị cáo Khải mong muốn tại phiên tòa này sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án chưa làm rõ trong 2 năm qua.

“Bị cáo không dám nói mình oan. Bởi những hành vi cáo trạng nêu bị cáo có làm.  Bị cáo mong HĐXX xem xét khách quan nguyên nhân làm vỡ ống. Trong đó có thể là cơ quan giám định chưa chính xác, hoặc có sự nhầm lẫn giữa phần thiết kế và mua sắm như trong cáo trạng nêu”, bị cáo Khải kết thúc phần trình bày.

Bị cáo Trương Trần Hiển (61 tuổi, cựu Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) được thẩm vấn tiếp theo. Bị cáo Hiển khai, có nắm được nội dung biên bản nghiệm thu, hồ sơ kèm theo ống cũng phù hợp với quy định 5 tiêu chuẩn trong hợp đồng đã được ký kết.

Bị cáo Hiển cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến ống dẫn nước vỡ như khâu vật tư, thiết kế, bảo quản, vận chuyển. Sau này kết luận giám định chưa chỉ rõ được các khâu đó mà chỉ tập trung vào chất lượng ống để quy kết là chưa phù hợp. “Hành vi của tôi không sai theo chức năng, nhiệm vụ. Tôi không vi phạm pháp luật. Tôi thấy mình bị oan”, bị cáo Hiển nói.

Bị cáo Trần Cao Bằng (64 tuổi, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), nhà thầu dự án cho rằng, có nhầm lẫn về sự hiểu về thiết bị. Theo giải thích của bị cáo Bằng, mục đích cung cấp các yêu cầu tối thiểu cho ống cốt sợi thủy tinh gồm: thiết kế, sản xuất, áp dụng. Nhà sản xuất phải tiến hành đo lường, phân tích trong quá trình sản xuất sản phẩm. Và để đảm bảo yêu cầu phù hợp các tiêu chuẩn này thì thí nghiệm phải được tiến hành và ra kết quả đảm bảo trước khi đưa vào hợp đồng kinh tế. Bị cáo Bằng cho rằng, kết luận giám định không phù hợp với những tài liệu đã có.

Trả lời HĐXX, bị cáo Vũ Thanh Hải (58 tuổi, cựu Trưởng phòng sản xuất, cựu Quản đốc phân xưởng, cựu Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án không đồng tình với quy kết trong cáo trạng.

Theo bị cáo Hải, quá trình làm trưởng phòng sản xuất, từ tháng 8-2004 đến tháng 12-2005, quá trình này chủ yếu chỉ đạo xây dựng nhà máy, tiếp nhận công nghệ, chạy thử sản phẩm.

“Các bị cáo thực hiện dự án này hướng đến phục vụ dân sinh, chứ các bị cáo không vụ lợi cá nhân. Vấn đề của các bị cáo ở vụ án này là do nhận thức, do trình độ và do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Bị cáo không chối tội, nhưng bị cáo mong HĐXX xem xét khuyết điểm của bị cáo để  có phán quyết thấu tình đạt lý”, bị cáo Hải kết thúc phần trình bày.


Bị cáo Hoàng Thế Trung.

Bị cáo Hoàng Thế Trung, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, Hà Nội) cho rằng, cáo trạng có nhiều nội dung chưa đúng, có nhiều điểm sai cần phải làm rõ.

Theo bị cáo Trung, việc cáo trạng quy kết các bị cáo phạm tội đã dựa nhiều vào kết luận giám định của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên kết luận giám định ấy có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Bị cáo Trung cũng đề nghị HĐXX xem xét lại kết luận giám định để có đánh giá khách quan về hành vi của các bị cáo.


Theo Nguyễn Hưng/Cand.com.vn

Sẽ dán tem tất cả xe ôtô để năm 2019 thu giá tự động toàn quốc

Cuối năm 2018, khoảng hơn 3 triệu phương tiện ôtô sẽ được dán tem thu giá tự động (thẻ Etag) để đến năm 2019, tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện thu giá tự động.


Thu phí tự động sẽ minh bạch được việc các phương tiện trả phí và thời gian thu của nhà đầu tư BOT. (Ảnh: VETC cung cấp)

Về tình hình triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 39 trạm đang tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (32 trạm trên Quốc lộ 1 và 7 trạm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 35 trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và 4 trạm do địa phương quản lý) trong đó có 2 trạm dự kiến không triển khai hệ thống thu giá không dừng (trạm Tào Xuyên đang dừng thu, trạm cầu Rác có thời gian thu còn lại ngắn).

Đến nay, trong 24/37 trạm thuộc dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc-giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC (TASCO) thực hiện đã có 15 trạm được đưa vào vận hành, 9 trạm đang triển khai lắp đặt và sẽ vận hành vào cuối quý 1/2018.

Ngoài ra, 9/37 trạm thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng Vietinbank tài trợ vốn theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh) đang được Tổng cục Đường bộ yêu cầu xây dựng tiến độ thực hiện chi tiết cũng như đàm phán hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ ETC đối với 9 nhà đầu tư để sau khi được lựa chọn sẽ triển khai lắp đặt, đảm bảo đưa hệ thống ETC tại các trạm vào vận hành trước 31/12/2018.

Đối với các tuyến Quốc lộ còn lại, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với công ty vận hành, khai tác các tuyến cao tốc để triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đưòng bộ tự động không dừng trên các tuyến cao tốc, tổ chức làm việc với các địa phương và các nhà đầu tư BOT còn lại để thống nhất lộ trình triển khai hệ thống ETC.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tăng cường công tác đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, xây dựng kế hoạch chi tiết về việc gắn thẻ đầu cuối trong năm 2018.

Đối với công tác triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan của Bộ làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư điều chỉnh, thực hiện thống nhất một công nghệ thu giá tự động không dừng tại tất cả các dự án.

Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu đảm bảo tính bảo mật, chống làm giả thẻ Etag cũng như có cơ chế phát hiện xử lý vấn đề này.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ nhà đầu tư BOT triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ thu giá không dừng tại các trạm thu giá còn lại trên toàn quốc; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương, các hiệp hội vận tải tổ chức dán thẻ Etag cho phương tiện.

"Chỉ thị 06 mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã xem thu giá tự động không dừng là một trong những giải pháp công khai, minh bạch đối với người dân trong thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, do đó các cơ quan, đơn vị của Bộ phải nghiên cứu kỹ và triển khai nghiêm túc, nhanh chóng Chỉ thị này,"Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Trước đó, tại các cuộc họp về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đều khẳng định: “Người dân đang rất trông chờ thu phí tự động để đảm bảo công bằng khi có thiết bị giám sát và người dân được giám sát. Bà con nhìn thấy tận mắt một xe đi qua thu được bao nhiêu, một ngày thu được bao tiền. Thu phí thủ công mất rất nhiều thời gian. Trong khi các nước như Trung Quốc, Singapore có rất nhiều trạm thu phí có tự động quét, vậy tại sao ta chần chừ không làm?”

Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Thông tư xử phạt với nhưng trường hợp đi qua trạm BOT không có tiền trong tem, thẻ thu phí không dừng, xử phạt cao gấp 10-20 lần thì người dân sẽ phải nộp tiền vào, nhà đầu tư không dám cho nợ.

"Đến năm 2019, tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện thu giá tự động," Bộ trưởng Thể khẳng định.


Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)

Bắc Bộ nhiệt độ giảm nhẹ, Trung Bộ và Tây Nguyên đề phòng tố, lốc

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 6/3, các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đều giảm khoảng 2 độ C so với ngày hôm qua.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ sáng có sương mù, mưa nhỏ rải rác. Trung Bộ không còn nắng nóng cục bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn có nắng nóng. Chiều tối và đêm đề phòng khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh trong cơn dông ở Trung Bộ và Tây Nguyên.

Dự báo chi tiết cho các vùng ngày và đêm 6/3, phía Tây Bắc Bộ ngày nắng, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Độ ẩm từ 40-95%. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, riêng khu Tây Bắc 18-20 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Phía Đông Bắc bộ nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; riêng vùng đồng bằng và ven biển sáng và đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Gió Đông nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 65-97%. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, cao nhất 26-29 độ C.

Khu vực Hà Nội nhiều mây, sáng có mưa nhỏ, sau có mưa vài nơi. Gió Đông nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 67-98%. Nhiệt độ cao nhất 27-29 độ C.

Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 50-95%. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 33 độ C.

Đà Nẵng đến Bình Thuận mây thay đổi, ngày nắng, đêm không mưa. Gió Đông bắc đến Đông cấp 2-3. Độ ẩm từ 52-92%. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 30-33 độ C.

Tây Nguyên mây thay đổi, ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 45-95%. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C; cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Nam Bộ mây thay đổi, ngày nắng, miền Đông có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông cấp 2-3. Độ ẩm từ 50-94%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 31-34 độ C, miền Đông có nơi trên 35 độ C.


Theo MINH NGUYỆT (TTXVN/VIETNAM+)

Căn cứ tính lương làm thêm giờ tại doanh nghiệp Nhà nước

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 6/3, các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đều giảm khoảng 2 độ C so với ngày hôm qua.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ sáng có sương mù, mưa nhỏ rải rác. Trung Bộ không còn nắng nóng cục bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn có nắng nóng. Chiều tối và đêm đề phòng khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh trong cơn dông ở Trung Bộ và Tây Nguyên.

Dự báo chi tiết cho các vùng ngày và đêm 6/3, phía Tây Bắc Bộ ngày nắng, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Độ ẩm từ 40-95%. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, riêng khu Tây Bắc 18-20 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Phía Đông Bắc bộ nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; riêng vùng đồng bằng và ven biển sáng và đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Gió Đông nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 65-97%. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, cao nhất 26-29 độ C.

Khu vực Hà Nội nhiều mây, sáng có mưa nhỏ, sau có mưa vài nơi. Gió Đông nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 67-98%. Nhiệt độ cao nhất 27-29 độ C.

Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 50-95%. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 33 độ C.

Đà Nẵng đến Bình Thuận mây thay đổi, ngày nắng, đêm không mưa. Gió Đông bắc đến Đông cấp 2-3. Độ ẩm từ 52-92%. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 30-33 độ C.

Tây Nguyên mây thay đổi, ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 45-95%. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C; cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Nam Bộ mây thay đổi, ngày nắng, miền Đông có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông cấp 2-3. Độ ẩm từ 50-94%. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 31-34 độ C, miền Đông có nơi trên 35 độ C.


Theo MINH NGUYỆT (TTXVN/VIETNAM+)

Có được bố trí nghỉ bù thay cho trả lương thêm giờ?

Công ty của bà Hà Nguyệt (hanguyet66@...) yêu cầu nhân viên đi làm vào ngày lễ, nhưng lại không trả lương làm việc ngày lễ theo quy định của Bộ luật Lao động mà bố trí nhân viên nghỉ bù 3 ngày. Bà Nguyệt hỏi, như vậy có phù hợp quy định không?


Ảnh minh họa

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 1, Điều 115 Bộ luật Lao động quy định, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

- Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch);

- Tết Âm lịch 5 ngày;

- Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

- Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch);

- Ngày Quốc khánh 1 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch);

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Khoản 1, Điều 97 Bộ luật Lao động quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

Vào ngày thường, ít nhất 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Như vậy, người lao động làm thêm giờ vào ngày nào thì được trả lương làm thêm tính theo ngày đó. Nếu người lao động được huy động đi làm thêm giờ vào ngày lễ được hưởng ít nhất bằng 300% tiền lương theo công việc đang làm, chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.

Cách tính tiền lương làm thêm giờ thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 8 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 được sửa đổi bởi Điểm c, Khoản 4, Điều 14 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo luật sư, để bảo đảm quyền lợi của người lao động đi làm thêm giờ vào ngày lễ, công ty nơi bà Hà Nguyệt làm việc có thể vận dụng linh hoạt quy định về tiền lương làm thêm giờ, thay vì phải trả tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 300%, thì bố trí nghỉ bù bằng 3 ngày làm việc (ngày nghỉ bù có hưởng lương), đồng thời công ty vẫn phải trả nguyên 100% tiền lương của ngày lễ đó cho người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 115 Bộ luật Lao động.

Công ty cần phối hợp với tổ chức công đoàn, vận động, giải thích lý do để người lao động đồng thuận với phương án giải quyết nghỉ bù 3 ngày có hưởng lương, thay vì trả tiền lương thêm giờ nêu trên

Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội


Theo Baochinhphu.vn

Ban cán sự Đảng Chính phủ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 04 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Sáng 5/3, tại trụ sở Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05. Kết luận của Đoàn kiểm tra đã thể hiện: Ban cán sự Đảng Chính phủ đã đoàn kết thống nhất, giữ vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nêu cao tinh thần trước Đảng và nhân dân về thực hiện nhiệm vụ chính trị và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tham dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ; các đồng chí thành viên Ban cán sự Đảng; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư và các thành viên của Đoàn.

Thực hiện chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017, Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư đã tiến hành kiểm tra đối với 7 bộ, ngành trực thuộc Chính phủ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội; đối với chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đã mang lại hiệu quả, thiết thực, toàn diện. Tập thể Ban cán sự Đảng đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt các nguyên tắc về xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; giải quyết công việc đúng thẩm quyền, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo tập thể của Ban cán sự dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự, Thủ tướng Chính phủ. Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp để mở nút thắt, từng bước đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng 6,81% năm 2017, công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đạt kết quả tốt.

Các đồng chí thành viên Ban cán sự Đảng luôn vững vàng, kiên định, giữ vững nguyên tắc, đoàn kết, thống nhất, nêu cao trách nhiệm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ thực hiện các quyết sách, phù hợp với tình hình mới; đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của đất nước và cộng đồng quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng nêu ra một số tồn tại và nguyên nhân ở một số cơ quan, đồng thời đề xuất một số giải pháp khắc phục.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hoan nghênh những đánh giá của Đoàn kiểm tra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đoàn kiểm tra đã đưa ra khái quát nhiều vấn đề lớn mà Ban cán sự Đảng Chính phủ cần lưu ý thời gian tới trong việc chỉ đạo Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, quản lý toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Nhấn mạnh tinh thần trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của Đoàn kiểm tra, Thủ tướng nêu rõ, với vai trò lãnh đạo toàn diện, Đảng mạnh là Chính phủ mạnh và Chính phủ mạnh thì Đảng mạnh. Ban cán sự Đảng Chính phủ coi đợt kiểm tra việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng là một dấu ấn mạnh mẽ, và Chính phủ là nơi tổ chức thực hiện nghiêm túc các chính sách ấy với khối lượng nhiệm vụ, công việc rất lớn.

Thủ tướng khẳng định, Ban cán sự Đảng Chính phủ là một tập thể dân chủ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động với tinh thần nêu gương, mà “đoàn kết thực sự chứ không phải đoàn kết hình thức”. Đây là cội nguồn sức mạnh của một tổ chức Đảng bởi không có đoàn kết thì không thể thành công. Đi liền với đó là tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt. “Một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới mà không sáng tạo, không đổi mới, không quyết liệt trước bao nhiêu cản trở, khó khăn thì dễ dẫn đến sự bế tắc của đất nước”, Thủ tướng cho biết, trong những hoàn cảnh, thời điểm khó khăn như tăng trưởng GDP quý I/2017 xuống thấp, Chính phủ đều quyết tâm vượt qua. Điều đó thể hiện qua kết quả tích cực về kinh tế-xã hội trong năm 2017 và quý I/2018.

Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật, đổi mới tư duy phù hợp với quan điểm của Đảng phục vụ nhân dân, trong đó, tập trung vào xây dựng thể chế, thực hiện công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm. Những chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, của Chính phủ được tập trung chỉ đạo, lãnh đạo cụ thể hóa, chỉ đạo quán triệt cụ thể để đưa vào cuộc sống.

Hướng về dân, hướng về cơ sở, phân cấp giao quyền là một phương pháp tiếp cận trong Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Thủ tướng cũng khẳng định Ban cán sự Đảng Chính phủ luôn giữ vững chế độ sinh hoạt Đảng, thảo luận dân chủ, công khai, minh bạch.

Ban cán sự Đảng luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức với tinh thần nêu gương, đổi mới cải cách chế độ công tác theo phương thức bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần phục vụ nhân dân.


Theo Đức Tuân/Baochinhphu.vn

Thủ tướng mong muốn Báo Nhân dân cụ thể hóa thêm phương châm '10 chữ'

Chiều 5/3, thăm và làm việc với Báo Nhân dân vào dịp kỷ niệm 67 năm ngày Báo ra số báo đầu tiên (11/3/1951 – 11/3/2018), Thủ tướng mong muốn Báo Nhân dân cụ thể hóa thêm phương châm 10 chữ mà Chính phủ nêu ra trong năm 2018 khi mà “chưa phải mọi cán bộ, đảng viên đã thấm nhuần điều này và vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, lãnh đạo một số bộ, ngành và đông đảo cán bộ, phóng viên của Báo Nhân dân.

Ấn tượng về truyền thống và những thành tích Báo Nhân dân đạt được trong 67 năm qua, Thủ tướng cho rằng, Báo luôn thể hiện được bản lĩnh chính trị, luôn thông tin chính xác, kịp thời và tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Báo Nhân dân luôn là “ngọn cờ tư tưởng” trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó, Báo luôn có những bài viết với tư tưởng, luận cứ khoa học quan trọng về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức nhiều cuộc thảo luận, các chuyên đề để làm rõ những vấn đề lớn về lý luận.

Cùng với các báo khác, Báo Nhân dân đã phản ánh các vấn đề nóng của xã hội; đấu tranh, bác bỏ những luận điệu, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, các vấn đề tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Báo cũng đã có nhiều bài viết về các nhân tố, điển hình tiên tiến và cách làm hay trong xã hội ở mọi lĩnh vực.

Nhấn mạnh xã hội đề cập nhiều đến niềm tin, ý Đảng lòng dân, thời vận, Thủ tướng đánh giá cao Báo Nhân dân luôn luôn xây dựng hình ảnh này rất tốt trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, thể hiện trong các bài xã luận, các chuyên mục và luôn luôn cổ vũ cho sự phát triển.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cho rằng Báo Nhân dân cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh với các báo và loại hình báo chí khác, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới không chỉ đề cập đến cuộc cách mạng 4.0 mà là cuộc cách mạng 5.0, Báo cần phải tiếp tục phát huy những thành công đạt được, phát huy mô hình truyền thông đa phương tiện hiện có, qua đó đóng góp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tư tưởng báo chí của Đảng, Nhà nước.

“Nhất là người ta thường hay nói, Báo Nhân dân được coi là “người anh cả” của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, cho nên vai trò tiền phong, gương mẫu, bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng càng quan trọng hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn Báo Nhân dân cụ thể hóa thêm phương châm 10 chữ mà Chính phủ nêu ra trong năm 2018 (kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả) khi mà chưa phải mọi cán bộ, đảng viên đã thấm nhuần điều này và vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Báo Nhân dân tham gia vào định hướng trong việc quy hoạch báo chí.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Báo Nhân dân cần giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ mục đích của báo Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó; hướng về nhân dân, cổ vũ nhân dân và các cấp ngành, thực hiện tốt chủ trương này.

Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng, nhất là các ấn phẩm khác của Báo Nhân dân; trong đó có sự quảng bá, giới thiệu, đổi mới hơn nữa để phục vụ nhiều bạn đọc. Không ngừng đổi mới nội dung bài viết, phương thức truyền tải, phát huy truyền thông đa phương tiện của Báo Nhân dân. Tạo tính hấp dẫn, sức cuốn hút của báo Đảng, để người dân phải tìm đọc Báo Nhân dân.


Thủ tướng thăm Nhà truyền thống của Báo Nhân dân - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong giai đoạn hiện nay, Báo Nhân dân cần thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trước các đối tượng thù địch, kẻ xấu, nhất là trong bối cảnh nhiều thông tin xấu độc xuất hiện.

Thủ tướng cũng yêu cầu Báo Nhân dân tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên không chỉ yêu cầu về bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao mà yêu cầu chuyên môn cũng phải cao. Trong đó phải đổi mới tư duy, cách làm để thu hút người đọc. Các nhà báo, phóng viên không ngừng học tập rèn luyện, tu dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị.

Cho biết tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sắp tới sẽ tổng kết lý luận, thực tiễn, xây dựng các văn kiện, nên với vai trò quan trọng của mình, Thủ tướng yêu cầu Báo Nhân dân chủ động, tích cực lắng nghe, bám sát thực tiễn, bám sát hơi thở cuộc sống, phát hiện những nhân tố, điển hình mới, cách làm tốt, kinh nghiệm quý để có những đóng góp thiết thực.

Nhấn mạnh các bài viết, chuyên đề phải xuất phát từ thực tiễn, đòi hỏi của nhân dân, Thủ tướng nêu rõ, Nhân dân là tên tờ báo và tờ báo cũng phải từ nhân dân, hướng về nhân dân, hướng về cơ sở để từ đó phát triển lên.

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu cho biết, hiện Báo Nhân Dân có 10 ấn phẩm, với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên hơn 750 người. Báo đã chú trọng tuyên truyền về phát triển kinh tế-xã hội, những cách làm mới, cách làm hay, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ năng động, liêm chính, kiến tạo phát triển. Tập trung tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị…


Theo Đức Tuân/Baochinhphu.vn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp các lãnh đạo Ngân hàng, Tài chính quốc tế

Chiều ngày 5/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Giám đốc điều hành cấp cao, Chủ tịch châu Á của Ngân hàng Sumimoto Mitsui (SMBC) của Nhật Bản Shosuke Mori và Giám đốc quan hệ chính phủ và pháp chế của Công ty bảo hiểm Prudential Julian Adams.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Giám đốc điều hành cấp cao, Chủ tịch châu Á của SMBC Shosuke Mori - Ảnh: VGP/Thành Chung

SMBC là một trong những ngân hàng lớn và lâu đời nhất Nhật Bản, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 và hiện có 2 chi nhánh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng tài sản trên 50.000 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu 0%. Ngoài ra SMBC là cổ đông chiến lược và sở hữu 15% vốn điều lệ của Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch châu Á của Sumitomo Shosuke Mori bày tỏ ấn tượng với các kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2017, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Ông Shosuke Mori cũng cho biết SBMC sẽ tiếp tục tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó có việc củng cố, phát triển hoạt động của Eximbank trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ấn tượng với kết quả kinh doanh của các chi nhánh SMBC tại Việt Nam và đánh giá cao vai trò của SMBC góp phần đưa Eximbank cải thiện kết quả kinh doanh và hoạt động ổn định. Phó Thủ tướng mong muốn SMBC với tư cách là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu Eximbank để đạt kết quả tốt hơn. Ngoài ra, SMBC tham gia tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, là kênh dẫn vốn hiệu quả từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Giám đốc quan hệ chính phủ và pháp chế của Công ty bảo hiểm Prudential Julian Adams - Ảnh: VGP/Thành Chung

Tiếp ông Julian Adams, Giám đốc quan hệ chính phủ và pháp chế của Công ty bảo hiểm Prudential, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển doanh nghiệp, triển khai các chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Anh, đầu tư, kinh doanh lâu dài.

Phó Thủ tướng cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển ổn định, là cơ sở để các công ty bảo hiểm như Prudential phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm kết hợp với đầu tư (bảo hiểm hưu trí...). Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về thị trường bảo hiểm, góp phần củng cố an sinh xã hội trong thời gian tới.

Giám đốc quan hệ chính phủ và pháp chế của Công ty bảo hiểm Prudential Julian Adams cho biết thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và trong thời gian tới Prudential cam kết sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam khắc phục những thách thức của quá trình già hoá dân số, giảm gánh nặng lên ngân sách quốc gia.


Theo Thành Chung/Baochinhphu.vn

Đề xuất quy định mới về thang lương, bảng lương

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Trong đó, Bộ đề xuất quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương.


Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của doanh nghiệp và không phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương theo thâm niên (để bảo đảm khoảng cách ít nhất 5%), dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên, người có thâm niên nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cao (cùng làm một công việc nhưng doanh nghiệp phải trả lương, chi phí bảo hiểm cho người lao động làm 15 - 20 năm cao gấp 2 - 3 lần người mới vào làm việc). Thực trạng này dẫn đến doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động để tuyển lao động mới.

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án sửa đổi quy định trên. Phương án 1: quy định mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định 5%). Cụ thể: “Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng”.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phương án này có ưu điểm tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm do khả năng thương lượng của người lao động còn hạn chế, sức ép về việc làm lớn, tổ chức đại diện người lao động chưa đủ mạnh dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động ở mức thấp.

Phương án 2: vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này. Cụ thể, “Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

Phương án này có ưu điểm Nhà nước vẫn tạo ra sàn thấp nhất để tránh tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động ở mức thấp, nhưng có nhược điểm hạn chế quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương, gây ảnh hưởng đến cấu trúc thang lương, bảng lương khi doanh nghiệp xây dựng.

Trong điều kiện thị trường lao động, năng lực của công đoàn cơ sở, sức ép việc làm hiện nay thì cần có lộ trình thực hiện, vì vậy Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị chọn phương án 2.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


Theo Tuệ Văn/Baochinhphu.vn

Thường trực Chính phủ kết luận việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2017.

Xét Báo cáo số 42/BGDĐT-VP ngày 28/02/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 và ý kiến của các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp ngày 02/3/2018 tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã thống nhất kết luận như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và Hội đồng chức danh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm một cách sâu sắc vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần phải xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2017 (như Báo cáo số 42/BGDĐT-VP nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xem xét và quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với những ứng viên đã bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định và chịu trách nhiệm về các hồ sơ này. Đối với các trường hợp mà hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo rà soát lại kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận và rà soát lại.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận tới.


Theo Baochinhphu.vn

Giá vàng hôm nay 6/3: Giá vàng giảm, tỷ giá sát ngưỡng 22.800 đồng

Giá vàng hôm nay 6/3: Giá vàng giảm, tỷ giá sát ngưỡng 22.800 đồng - 1

Giá vàng SJC có phiên giảm nhẹ

Cụ thể, thời điểm 8h30 hôm nay tại Hà Nội, Cty Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 36,7 - 36,78 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 20.000 đồng mỗi lượng bán ra so với giá vàng chốt giao dịch hôm qua.

Cùng thời điểm, tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC niêm yết vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,66 - 36,84 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 20.000 đồng mỗi lượng so với giá vàng chốt giao dịch hôm qua.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng sáng nay cũng tiếp đảo chiều tăng nhẹ, hiện vàng thế giới bán ra ở mức 1.323 USD/oz, tăng 2 USD so với giá vàng chốt giao dịch hôm qua.

Như vậy, hiện giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 600.000 đồng mỗi lượng.

Trên thị trường tỷ giá, tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.458 đồng đổi 1 USD, bằng tỷ giá hôm qua.

Trên thị trường ngân hàng, kết thúc tuần tỷ giá vẫn tiếp tục tăng. Ngân hàng Vietcombank hiện niêm yết ở mức 22.725 - 22.795 đồng/USD mua và bán, tăng 5 đồng so với tỷ giá hôm qua.

Ngân hàng Eximbank hiện niêm yết ở mức 22.710 - 22.795 đồng/USD mua và bán, bằng tỷ giá hôm qua.

Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô thế giới có phiên tăng mạnh. Hiện giá dầu Brent ở mức 65,54 USD/thùng (tăng 1,17 USD/thùng), giá dầu WTI ở mức 62,57 USD/thùng (tăng 1,32 USD/thùng).

BĐS Hà Nội và Tp.HCM thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư địa ốc

Theo báo cáo về xu hướng đầu tư bất động sản (BĐS) vào Việt Nam trong quý IV/2017 và dự báo 6 tháng tiếp theo của năm 2018 do Công ty TNHH CBRE (Việt Nam) công bố, các nhà đầu tư đang thể hiện nhu cầu mạnh mẽ đối với BĐS ở Hà Nội và Tp.HCM, tuy nhiên giao dịch bị hạn chế do thiếu dự án để bán.

Các nhà đầu tư đang thể hiện nhu cầu mạnh mẽ đối với BĐS ở Hà Nội và Tp.HCM. Ảnh: Dân trí

CBRE cho biết, việc nới lỏng quyền sở hữu tài sản cho người nước ngoài vào tháng 7/2015 đã dẫn đến sự gia tăng người mua cá nhân ở nước ngoài, nhất là từ Hàn Quốc và Singapore. Bên cạnh đó, do tâm lý thị trường tăng cao, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua lại một vài khu vực phát triển lớn trong quý IV/2017.

Xét về nhu cầu của nhà đầu tư, các chủ đầu tư trong nước vẫn tiếp tục tập trung vào hình thức liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là để phát triển những dự án khu dân cư. Còn một số chủ đầu tư nước ngoài đã liên doanh với các chủ đầu tư trong nước trong quý IV/2017, tập trung chủ yếu vào các dự án khu dân cư.

Theo CBRE, lợi suất đầu tư cao nhất thuộc về các chủ đầu tư Nhật Bản. Cùng với đó, chủ đầu tư Trung Quốc cũng hoạt động tương đối mạnh trong quý này. Keppel Land và CapitaLand đều mua những khu đất phát triển dự án lớn ở Sài Gòn. Các nhà đầu tư trong nước đang dần khẳng định mình với giao dịch đáng chú ý gần đây là một chủ đầu tư trong nước đã mua lại một dự án của POSCO (Hàn Quốc).

Các chủ đầu tư trong và nước ngoài đã có một quý cuối cùng trong năm 2017 bận rộn để tạo đà bứt phá mới cho năm 2018. CBRE cho biết, hiện các quỹ đầu tư tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong BĐS thương mại và nhà ở.

Về triển vọng và cơ hội trong 6 tháng tới, CBRE nhận định, đối với lĩnh vực văn phòng, các tòa nhà văn phòng hạng A ở trung tâm Hà Nội được quan tâm nhất do nhu cầu thuê tương đối cao. Riêng lĩnh vực bán lẻ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục liên doanh với các chủ đầu tư trong nước để phát triển những trung tâm thương mại chất lượng cao ở Sài Gòn.

Đặc biệt, việc thiếu nguồn cung ở lĩnh vực công nghiệp đang khuyến khích các nhà đầu tư liên doanh với các tập đoàn trong nước để phát triển dự án.

CBRE dự báo, xu hướng nổi trội nhất cho 6 tháng tới là các nhà đầu tư đang thể hiện nhu cầu mạnh mẽ về BĐS khách sạn ở Hà Nội và Tp.HCM nhưng giao dịch bị hạn chế do thiếu dự án để bán.

Thị trường đất nền sôi động ngay sau Tết

Ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, nhà đầu tư đất nền đã rục rịch trở lại với thị trường, nhanh tay săn quỹ đất và tìm kiếm cơ hội khi giá đất vẫn đang giữ mức ổn định.

Theo chu kỳ của thị trường, khoảng đầu quý II hàng năm sẽ là thời điểm bung nguồn cung đất nền mới. Đây là một trong những lý do khiến giá đất nền có sự chuyển biến mạnh và thường là xu hướng tăng. Chính vì vậy, ngay khi ra Tết âm lịch, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ lúc thị trường chưa có nhiều biến động để gom hàng.

Ông Nguyễn Minh Ánh, một nhà đầu tư khu Đông cho biết đang thương lượng các bước cuối cùng để mua lại lô đất 900m2 tại Long Trường, quận 9 ngay trong tháng 3. Theo nhà đầu tư này, so với thời điểm cuối năm, giá đất hiện tại khá ổn định, không còn nóng sốt, không còn cảnh tranh giành sản phẩm và tung giá ảo để chào bán. Sợ xu hướng này khó kéo dài qua đến quý II, ông Ánh và nhiều người mua khác đều có động thái chốt hàng nhanh từ thời điểm này.

Nhiều nhà đầu tư phía Bắc cũng rục rịch trở lại giao dịch nhà đất ngay từ đầu tháng 3 dương lịch. Ông Phạm Văn Bách, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, ông đã khảo sát khá nhiều lô đất đẹp tại khu Đông từ cuối năm 2017 nhưng thời điểm đó, giao dịch đang nóng sốt nên giá khá “loạn”. Qua Tết, thị trường hoạt động ổn định hơn, giá cũng không còn loạn và ảo. Đây là thời điểm thuận lợi ông chọn để chốt hợp đồng vì theo nhà đầu tư này, bước sáng quý III/2018, giá đất nền có thể sẽ tiếp tục tăng.

“Theo kinh nghiệm nhiều năm đầu tư của tôi, dù nhà nước có nhiều chính sách quản lý và sốt đất khó quay trở lại nhưng do quỹ đất ngày càng hẹp, tâm lý chuộng đất nền vẫn khá cao nên xu hướng tăng giá là khó tránh khỏi. Vì vậy, với những lô đất đã nhắm trước, tôi sẽ chốt giao dịch ngay thời điểm này để tránh cơn bão giá trong quý II và quý III tới đây”, ông Bách cho biết thêm.

đầu tư đất nền
Nhiều nhà đầu tư đất nền tranh thủ gom hàng ngay thời điểm cuối quý I/2018 nhằm
đón sóng tăng giá rất có thể sẽ diễn ra vào giữa năm. Ảnh minh họa

Batdongsan.com.vn vừa thực hiện khảo sát tại một số địa bàn giao dịch đất nền sôi động như khu vực quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Nhiều sàn giao dịch trên trục đường Mai Chí Thọ cho biết từ sau Tết đến nay, cứ cách 2 - 3 ngày lại có giao dịch đất nền được chốt mua thành công. Đất nền khu Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu, Long Trường, Phước Long B giá từ 20 - 40 triệu/m2 được nhà đầu tư tìm kiếm nhiều nhất. Các hoạt động chốt hàng cũng diễn ra nhanh chóng chứ không kéo dài do hầu hết nhà đầu tư đã tìm hiểu nguồn hàng từ trước và chỉ chờ thời điểm tốt để xuống tiền.

Tại một số tuyến đường quan trọng của quận 9 như Vành Đai 2, Vành Đai 3, Nguyễn Cư Trinh, Đồng Văn Cống, hoạt động mua bán đã tấp nập trở lại. Một sàn giao dịch tại đây cho biết, đầu năm, người dân thường chọn mua đất nền nên phân khúc này sôi động khá sớm. Chỉ 10 ngày sau Tết mà sàn đã chốt được gần 10 giao dịch đất nền mua đi bán lại, chủ yếu là các nền diện tích nhỏ và trung bình. Cũng theo nhân viên của sàn giao dịch này, vừa rồi sàn đã dẫn một nhóm nhà đầu tư hơn 10 người đi xem đất tại quận 9 và nhóm này đã chọn được sản phẩm ưng ý, dự định sẽ chốt hợp đồng trong vòng 2 tuần tới.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng cho biết đã có những giao dịch đầu tiên ngay khi hoạt động trở lại. Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Vạn Phúc City (quận Thủ Đức) tiết lộ, từ ngày 25/2 đơn vị đã ký những thỏa thuận bán hàng đầu tiên. Còn theo đại diện Công ty Bất động sản Rio Land, tính từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch chỉ riêng các dự án đất nền tại quận 9 của công ty đã có hơn 10 hợp đồng mua bán được ký.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, GĐ SGD nhà đất Phố Đông phân tích, thị trường xuất hiện những tín hiệu cho thấy, thời gian tới, đầu tư vào đất nền sẽ trở thành xu hướng nên các nhà đầu tư nhanh chóng đi “săn hàng” nhân lúc giá xuống thấp. Trong những quý tới, giá các sản phẩm BĐS dự kiến sẽ tăng mạnh. Cụ thể, giá đất nền có thể tăng thêm từ 10 - 15%, giá căn hộ tăng 5 - 10%. Vì vậy, cuối quý I/2018 sẽ là thời điểm nhà đầu tư tranh thủ mua vào và hoạt động bán ra sẽ mạnh hơn trong các quý tiếp theo.

Cũng theo ông Sơn, cơ hội tăng giá đất nền vẫn rất lớn dù cơn sốt đất đã kéo dài suốt năm 2017. Bởi so với đầu tư căn hộ và dòng sản phẩm mới, thanh khoản của đất nền luôn cao và thuận lợi hơn. Nguồn cung ngày càng hạn chế cộng với tỷ suất sinh lời đột biến sẽ giúp khả năng tăng giá của đất nền mạnh hơn trong năm 2018.

Tương tự, ông Nguyễn Huy Vũ, TGĐ BV Land cũng cho rằng, sự khan hiếm quỹ đất và tâm lý chuộng nhà liền thổ vẫn sẽ giúp đất nền là kênh đầu tư chiếm ưu thế. Hiện nay đa phần các quỹ đất đẹp tại Sài Gòn đã hình thành khu dân cư hiện hữu, những khu đất còn lại hầu hết đã có chủ hoặc đã chốt kế hoạch phát triển trong tương lai. Điều đó cũng có nghĩa, Tp.HCM không còn nhiều quỹ đất dự trữ trong vài thập niên tới.

“Cơn sốt đất năm 2017 đã lan rộng và dấy lên làn sóng thu gom quỹ đất mạnh mẽ, khiến cho quỹ đất sạch ngày càng trở nên khó tìm và trở thành thách thức lớn cho các nhà phát triển bất động sản. Một khi cung ít cầu nhiều, hiện tượng tăng giá, sốt giao dịch là hoàn toàn có cơ sở”, ông Vũ đánh giá.

Phương Uyên

Tiền ồ ạt “chảy” vào ngân hàng sau Tết

Người dân ùn ùn đi gửi tiền

Những ngày đầu năm, chị Nguyễn L. Thảo, nhân viên Phòng giao dịch Đại Cồ Việt một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn đón tiếp mỗi ngày 70 - 80 khách hàng qua gửi tiền. Điểm giao dịch của chị Thảo không phải điểm đông dân cư nhưng lượng khách hàng tới trong những ngày này đông hơn ngày thường rất nhiều. “Thông thường dịp sát Tết và sau Tết người dân mang tiền gửi ngân hàng đông hơn thường lệ”, chị Thảo nói.

Nên kiểm tra tài khoản mỗi tháng 1 lần

Thời gian qua, một số tài khoản tiết kiệm của khách hàng tại một số ngân hàng “bỗng dưng” mất tiền. Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2, trả lời báo chí về vấn đề liên quan đến vụ việc khách hàng bị mất tiền khi gửi tại Eximbank, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước và Eximbank sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tiết kiệm và xem đó là ưu tiên hàng đầu. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khách hàng nên kiểm tra tài khoản ít nhất  mỗi tháng một lần để theo dõi lịch sử giao dịch, kiểm tra các hoạt động giao dịch. Ông Hiếu cho rằng, khách hàng nên đăng ký tin nhắn theo dõi qua điện thoại để nhận thông tin biến động tài khoản kịp thời.

Chị Thảo phân tích, trước Tết nhu cầu thanh toán rất cao nên người dân tới nộp tiền phục vụ nhu cầu thanh toán và nhiều người nộp tiền vào ngân hàng vì không muốn giữ tiền mặt ở nhà dài ngày suốt dịp Tết. Còn sau Tết, theo chị Thảo, số tiền sau khi “tổng kết Tết” cũng được mang ra gửi tại các ngân hàng. “Năm nay, người dân tới gửi đông nhưng số tiền gửi không nhiều và cũng không có trường hợp đột biến. Khách gửi chủ yếu từ vài chục tới vài trăm triệu đồng và đa số là kỳ hạn ngắn”, chị Thảo thông tin. Nhiều khách hàng chọn kỳ hạn ngắn, theo lý giải của chị Thảo là tâm lý gửi tiền sau Tết để lấy may. Tuy nhiên, tích tiểu thành đại, ngân hàng này đã thu hút được một nguồn vốn lớn ngay đầu năm.

Nắm bắt tâm lý đầu năm của khách hàng, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các ngân hàng đã đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến mại đầu xuân, như ACB có chương trình “Lộc xuân như ý” với 76.985 quà tặng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng, kỳ hạn tối thiểu 1 tháng; OCB có chương trình “Khai xuân đắc lộc, khởi phát thành công” từ sau Tết tới ngày 21/4 với nhiều quà tặng “khủng” với tổng giá trị 4 tỷ đồng; Sacombank có chương trình “Chào Xuân đón lộc” với cơ hội bốc thăm trúng thưởng 100% dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm từ 100 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng hoặc số tiền từ 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên; Maritime Bank có chương “Lộc vàng như ý - Tiền tỷ đến nhà”…

Mỗi ngày một ngân hàng hút vài trăm tỷ đồng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT, TGĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, đầu năm nay tình hình huy động của SCB và các ngân hàng khá tốt, có thể huy động vài trăm tỷ đồng mỗi ngày. Riêng tại SCB, lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ, sau Tết, mỗi ngày ngân hàng thu hút trung bình trên 250 tỷ đồng, có ngày lên tới 300 tỷ đồng. “Đầu năm, dòng tiền chưa đi vào vòng quay kinh doanh, đặc biệt là ngành bất động sản, xây dựng”, ông Văn nói và cho biết đối với các ngành đặc thù có chút tâm lý này thì sớm cũng phải từ cuối tháng 1 Âm lịch mới bắt đầu triển khai hoạt động.

Tiền ồ ạt “chảy” vào ngân hàng sau Tết - 1

Dịp đầu năm, mỗi ngày lượng tiền gửi vào mỗi ngân hàng lên đến vài trăm tỷ đồng

Còn theo nhìn nhận của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đầu năm tiền đổ từ dân cư vào ngân hàng là diễn biến mang tính chu kỳ. Do đó, một số ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội này để thu hút vốn. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, sau nhiều vụ khách hàng bị mất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì tâm lý và tư duy của người dân đã thay đổi, họ sẽ đặt yếu tố an toàn lên đầu tiên, lên trước cả yếu tố lãi suất.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho biết, các ngân hàng đang khá dồi dào vốn, trong khi đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 13 - 15%, thấp so với 17 - 18% của năm ngoái. Điều này sẽ khiến các ngân hàng phải cân đối đầu ra hợp lý nhưng dự báo giải ngân cũng sẽ khá tích cực. Trong trường hợp cần thiết để phù hợp tới tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh nhưng có lẽ phải tới quý III. Trong bối cảnh nguồn tiền dồi dào, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nếu Ngân hàng Nhà nước  giảm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu xuống 0,24 - 0,5% sẽ tác động, làm giảm mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng xuống. Đây sẽ là cơ hội để giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp.

Ký túc xá chỉ dành cho con nhà giàu: Xa hoa như khách sạn, nộp phí hàng trăm triệu/năm

Ký túc xá đắt nhất Anh quốc này tọa lạc tại một vùng nông thôn rộng lớn, được trang bị đầy đủ tiện nghi không kém gì một khu biệt thự nghỉ dưỡng. Tuy có diện tích rộng rãi nhưng ký túc này chỉ dành cho tối đa 7 người ở.

Ký túc xá chỉ dành cho con nhà giàu: Xa hoa như khách sạn, nộp phí hàng trăm triệu/năm - 1

Ký túc xá đắt nhất Anh quốc tọa lạc tại một vùng nông thôn rộng lớn

Trong khuôn viên ký túc thiết kế một vườn hoa riêng với diện tích lớn, một bồn sục nóng lộ thiên để sinh viên ngâm mình thư giãn khi mệt mỏi. Ngoài ra, mỗi sinh viên còn có một chỗ đỗ xe riêng để phục vụ việc đi lại, dù ký túc này nằm ngay sát… trường đại học Bath và cách trung tâm thành phố Bath chỉ 5 phút lái xe.

Ký túc xá chỉ dành cho con nhà giàu: Xa hoa như khách sạn, nộp phí hàng trăm triệu/năm - 2

Trong khuôn viên ký túc thiết kế một vườn hoa riêng với diện tích lớn, một bồn sục nóng lộ thiên để sinh viên ngâm mình thư giãn khi mệt mỏi

Ký túc xá chỉ dành cho con nhà giàu: Xa hoa như khách sạn, nộp phí hàng trăm triệu/năm - 3

Mỗi sinh viên còn có một chỗ đỗ xe riêng để phục vụ việc đi lại, dù ký túc này nằm ngay sát… trường đại học Bath và cách trung tâm thành phố Bath chỉ 5 phút lái xe

Phòng ngủ ở đây thoạt nhìn không khác nào một phòng khách sạn hạng sang. Trong phòng có giường đôi cỡ lớn thay vì giường tầng như các ký túc xá thông thường, có thảm trải sàn sang trọng, cửa sổ lớn kịch sàn, đón nhiều ánh nắng. Đặc biệt, một số phòng còn có ban công riêng.

Ký túc xá chỉ dành cho con nhà giàu: Xa hoa như khách sạn, nộp phí hàng trăm triệu/năm - 4

Ngoài phòng riêng dành cho sinh viên, ký túc xá còn bố trí sẵn phòng bếp lớn và phòng giải trí hiện đại

Ngoài phòng riêng dành cho sinh viên, ký túc xá còn bố trí sẵn phòng bếp lớn và phòng giải trí hiện đại. Trong đó, phòng bếp được thiết kế theo phong cách đồng quê gần gũi, có hai cửa thông trước và sau, kết nối gian bếp với khu bàn ăn 8 chỗ ngoài trời. Phòng giải trí có đầy đủ thiết bị chơi bi a và bóng bàn, ngoài ra còn có một máy tập chèo thuyền dành phục vụ cho việc rèn luyện sức khỏe của sinh viên.

Ký túc xá chỉ dành cho con nhà giàu: Xa hoa như khách sạn, nộp phí hàng trăm triệu/năm - 5

Khu bàn ăn lộ thiên nối liền với gian bếp rộng rãi

Đương nhiên để tận hưởng toàn bộ các dịch vụ trên, hội sinh viên con nhà giàu phải chi trả số tiền học phí không hề nhỏ: 6.000 bảng Anh/học kỳ thay vì 857 bảng Anh như ở các ký túc xá bình dân, tương đương 12.000 bảng Anh/năm (376 triệu đồng). Mức giá này còn chưa bao gồm tiền sinh hoạt phí và mạng internet tốc độ cao cho riêng từng phòng.

Chi gần chục triệu/đêm chỉ để ngủ trong container đặc biệt này

Đây là nơi dành riêng cho những ai muốn rời xa chốn thành thị và tận hưởng không gian thiên nhiên tuyệt vời.

Vĩnh Phúc: TP Vĩnh yên tổ chức Lễ giao quân năm 2018

(Xây dựng) - Sáng 05/3, tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vĩnh Yên long trọng tổ chức Lễ giao nhận quân năm 2018. Dự buổi lễ, có các đồng chí: Nguyễn Văn Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên và lãnh đạo Thành ủy, HDND, UBND thành phố tới tham dự.


Bí thư Thành ủy thắp ngọn lửa truyền thống.

Năm nay, TP Vĩnh Yên được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi 152 nam công dân (trong đó 140 công dân nhập ngũ, 12 công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân) , giao về 5 đơn vị nhận quân: Bộ Tổng tham mưu (Quân động nhân dân Việt Nam), Bộ Tư lệnh Lăng, Đoàn nghi lễ Quân đội, Trung tâm huấn luyện Bộ đội biên phòng và Trung đoàn 174 (sư đoàn 316, Quân khu II) và 12 công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân.

Trong số 140 tân binh nhập ngũ đợt này, tỷ lệ thanh niên có trình độ THPT chiếm gần 79%, đại học, cao đẳng chiếm 16,3%. Tỷ lệ thanh niên tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ đạt 73,5%.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyên, sự phối hợp chặt chẽ của Mật trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và sự tham mưu tích cực của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, TP Vĩnh Yên đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân năm 2018, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Trong số 152 tân binh, có 108 đồng chí tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ.

Tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Phạm Hoàng Anh đã thắp lên đài lửa, ngọn lửa truyền thống thể hiện cho tinh thần, sức mạnh, quyết tâm của những tân binh sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố đã nổi hồi trống mở hội giao quân, động viên khích lệ những người con ưu tú của thành phố anh hùng.

Phát biểu tại buổi lễ giao quân, đồng chí Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch UBND thành phố mong muốn, các thanh niên ưu tú của thành phố sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện tốt trong môi trường quân đội, phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam; chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xứng đáng với tình cảm, lòng mong đợi của quê hương, gia đình và người thân.


Các đại biểu tặng hoa động viên tân binh lên đường nhập ngũ.

Cuối buổi lễ giao quân, các đơn vị đã nhận đủ quân số, lưu đọng lại ở đây là tình cảm thân thương của người thân dành cho các tân binh lên đường nhận nhiệm vụ, và gửi gắm trong đó là những tình cảm và lòng mong đợi của quê nhà đối với mỗi tân binh.

Trang Lê

Kinh nghiệm quản lý tài chính tiện lợi, an toàn trong thời đại số

(Xây dựng) - Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện ngày càng đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng điện tử thì tình trạng gian lận, lừa đảo, đánh cắp thông tin... trong các giao dịch liên quan ngày càng gia tăng, gây thiệt hại cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính. Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức cơ bản để có thể giao dịch an toàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết...

Đa dạng hóa sự lựa chọn của khách hàng

Là ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô tổng tài sản lớn nhất trên thị trường, trong những năm gần đây BIDV luôn chú trọng đầu tư và phát triển các giải pháp công nghệ thông tin nhằm mang lại tiện ích cho khách hàng đi đôi với cam kết đảm bảo an toàn thông tin của khách hàng và ngân hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Trong nỗ lực triển khai hoạt động kinh doanh hướng đến khách hàng, hệ thống các kênh phân phối của BIDV ngày càng được đa dạng hóa và hoàn thiện. Hiện nay BIDV đang cung cấp nhiều kênh giao dịch tự động cho khách hàng như: Hệ thống tự giao dịch Ezone, Internet banking, Mobile banking, ATM, POS…

Ngoài ra, BIDV cũng phối hợp với các đối tác trung gian thanh toán và fintech để mở rộng hệ thống phân phối dịch vụ thông qua các ví điện tử, các cổng thanh toán trực tuyến, các hệ thống mua sắm online.

Với các kênh phân phối hiện nay ngoài việc cung cấp dịch vụ chuyển khoản đơn thuần, BIDV đã hỗ trợ khách hàng thanh toán hơn 300 loại dịch vụ tiêu dùng thuộc các lĩnh vực như: Điện, nước, viễn thông, truyền hình, giao thông, bảo hiểm, giáo dục, chứng khoán, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, ví điện tử, đấu thầu, mua sắm online, golf, logistics…

Đảm bảo an toàn trong thời đại số

Trong tình hình gia tăng các loai tội phạm và lừa đảo, BIDV xem các kênh giao dịch ngân hàng điện tử không chỉ là kênh cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn là một trong các biện pháp giúp khách hàng chủ động quản lý tài sản của mình tại ngân hàng.

Với dịch vụ tin nhắn báo biến động số dư tài khoản (BSMS), khách hàng sẽ được tự động nhắn tin mỗi khi tài khoản gồm cả tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng và nhiều loại tài khoản khác có thay đổi.

Khách hàng dễ dàng đăng ký dịch vụ này tại website của BIDV hoặc gọi đến tổng đài 19009247 hoặc nhắn tin đến tổng đài (sau khi nhận được tin nhắn thông báo của BIDV) mà không phải đến quầy.

Với các dịch vụ ngân hàng điện tử khác như Internet banking và Mobile banking (BIDV online, BIDV Smartbanking...) khách hàng sẽ xem được đầy đủ thông tin về tài khoản và thực hiện được hầu hết các dịch vụ đối với các tài khoản tại ngân hàng như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn dịch vụ, gửi tiết kiệm, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, mua sắm…

cũng hỗ trợ khách hàng đăng ký các dịch vụ ngân hàng điện tử trên website để giảm thiểu thời gian đi lại và giao dịch tại quầy cho quý khách hàng.

BIDV khuyến cáo khách hàng nên đăng ký dịch vụ BSMS cùng với các dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc kỹ hướng dẫn giao dịch an toàn của BIDVtrên trang ngân hàng điện tử để quản lý tối ưu dòng tiền và đảm bảo an toàn trong giao dịch đối với các tài khoản tại ngân hàng.

Để đăng ký dịch vụ BSMS và các dịch vụ ngân hàng điện tử, khách hàng có thể thực hiện theo các cách sau đây:

Đến các điểm giao dịch gần nhất của BIDV để đăng ký dịch vụ, danh sách các điểm giao dịch

Đăng ký trực tuyến các dịch vụ BSMS/BIDV Online, BIDV SmarBanking

Gọi đến tổng đài 19009247 để đăng ký dịch vụ BSMS

Đối với khách hàng đã đăng ký số điện thoại giao dịch với BIDV bằng số điện thoại di động của Viettel có thể đăng ký dịch vụ BSMS bằng cách bấm *123*789# và bấm nút gọi trên điện thoại, sau đó chọn mục 2 để đăng ký dịch vụ.

Nhi Thu

Khôn ngoan xuống tiền đầu năm ở thị trường BĐS Nam Phú Quốc

(Xây dựng) - Dịp Tết Mậu Tuất, đảo Ngọc đón khoảng 52.000 lượt khách đến tham quan, tăng gần gấp 3 lần năm 2017, trong đó khách quốc tế tăng hơn 20%. Những con số tăng trưởng du lịch kỷ lục này dự báo 2018 tiếp tục là năm của BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc, đặc biệt là khu vực Nam đảo với “cú hích” từ cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới.

Đón vận hội mới đầu năm với BĐS nghỉ dưỡng

Phú Quốc hiện là điểm nóng hút đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng với 254 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 377.836 tỷ đồng. Đặc biệt, sau Tết Âm lịch được xem là “thời khắc vàng” để đầu tư bởi giai đoạn này tập trung các nguồn tiền đã được giải ngân cuối năm, cộng thêm lương thưởng, đặc biệt là lượng kiều hối ồ ạt đổ về.

Ghi nhận từ cuối năm 2017 đến nay, các nhà đầu tư trong nước đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ chưa từng thấy của dòng tiền từ các kênh như gửi ngân hàng, đầu tư vàng, ngoại tệ sang BĐS. Đặc biệt trên thị trường chứng khoán, khi chỉ số VN-Index năm 2017 lọt vào Top 3 chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới với mức tăng 48% và được kỳ vọng vượt qua mức đỉnh cao nhất của thị trường với 1.137 điểm thiết lập trong 10 năm trước, cũng là lúc các nhà đầu tư ăn mừng chiến thắng. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm chứng khoán sập sàn cuối tháng 1 vừa qua, các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm đã lặng lẽ chuyển dòng vốn sang kênh đầu tư bền vững hơn – đó là bất động sản nghỉ dưỡng.

“Thị trường lên đến đỉnh rồi thì sẽ lao dốc, nên rút kinh nghiệm từ giai đoạn 2008, tôi đã nhắc mình tỉnh sớm để bảo toàn lợi nhuận”, ông Nguyễn Hữu Chương – nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội chia sẻ. Ông Chương vừa quyết định mua một căn biệt thự tại Bãi Kem, Phú Quốc. Theo ông, ba tháng đầu năm chính là thời điểm thích hợp nhất để chớp thời cơ các chủ đầu tư uy tín triển khai nhiều gói hỗ trợ tài chính hấp dẫn.

Nói về điểm đến Nam Phú Quốc, ông Chương cho hay, đây là địa bàn hội tụ đủ thiên thời, địa lợi. Về tiềm năng, du lịch Phú Quốc đang trong nhóm dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tăng trưởng. Về hạ tầng, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2 để đón đầu dòng khách lớn trên đà tăng mạnh. Hệ thống đường xuyên đảo và các đường nhánh cũng đã hoàn thiện khang trang.

Đặc biệt tại Nam đảo, sự xuất hiện của quần thể du lịch đẳng cấp Sun World Hon Thom Nature Park với hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất thế giới vừa vận hành trước Tết nguyên đán vừa qua được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo du lịch đảo Ngọc. Chỉ nhìn số lượng hàng chục nghìn khách đổ về trải nghiệm cáp treo trong dịp Tết đủ thấy sức hút của tổ hợp vui chơi, giải trí mới này.

Tháng 4 tới đây, khu nghỉ dưỡng Premier Village Phu Quoc Resort ở Mũi Ông Đội chính thức khai trương với sự hiện diện của Tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới AccorHotels. Đây là mắt xích quan trọng cho thấy những dự án tầm cỡ do Sun Group đầu tư ở Nam đảo đang được tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thiện quần thể tỷ đô ở Nam đảo.

Cùng với đó, về môi trường đầu tư, không thể phủ nhận Phú Quốc đang là điểm đến vàng cho dòng vốn bất động sản nhờ hệ thống chính sách ưu đãi vượt trội và chắc chắn, sẽ còn hấp dẫn hơn nữa ngay trước thềm huyện đảo trở thành một trong ba đặc khu kinh tế đầu tiên.

Tương lai sáng lạn ở Nam Phú Quốc

Phân tích xu hướng dòng vốn đang đổ về Phú Quốc, giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ, triển vọng thị trường nơi đây rất sáng lạn trong khi nguồn cung không nhiều, nên dư địa cho BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc rất lớn. Chưa kể lực hấp dẫn đến từ đòn bẩy tài chính vượt trội.

Lấy ví dụ về dự án biệt thự nghỉ dưỡng Sun Premier Village Kem Beach Resort, một số chuyên gia phân tích, với chính sách vừa công bố, các khách hàng thanh toán 70% giá bán sản phẩm sẽ được nhận ngay khoản ưu đãi lên đến gần 3 tỷ đồng trên giá trị biệt thự. Cùng với khoản ưu đãi này, khách hàng vẫn được hưởng thêm khoản thu nhập từ chương trình cam kết cho thuê, tối thiểu 9% mỗi năm trong 15 năm. Đây là mức ưu đãi lớn chưa từng thấy trên phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp hiện nay. Cùng với đó, chủ đầu tư Sun Group tiếp tục hỗ trợ khách hàng lãi suất 0% cho khoản vay 70% giá trị biệt thự, ân hạn nợ gốc 24 tháng.

Như vậy, chỉ với số vốn ban đầu từ 6 tỷ đồng, nhà đầu tư đã có thể sở hữu ngay biệt thự Bãi Kem sát biển trị giá 27 tỷ. Nhận định về cơ hội, nhà đầu tư Lê Văn Tam (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Những ưu đãi vượt trội công bố đợt này như đòn bẩy tài chính ưu việt, giúp các nhà đầu tư cùng lúc có thể dàn vốn để sở hữu nhiều sản phẩm hơn. Và lợi nhuận thì tỷ lệ thuận với lượng BĐS sở hữu”.

Chiếm vị trí trung tâm của quần thể nghỉ dưỡng, du lịch giải trí 5 sao bên biển Bãi Kem do Sun Group đầu tư đồng bộ tại Nam Phú Quốc, theo dự báo của giới chuyên môn, năm 2018, cùng sự ra mắt của tổ hợp du lịch giải trí biển Sun World Hon Thom Nature Park, dòng khách sang trọng, có nhu cầu chi tiêu cao sẽ hướng về nơi này, tạo sức ép lên hạ tầng lưu trú cao cấp. Đó chính là lúc các nhà đầu tư vào dự án này tận hưởng thành quả của mình tại thị trường đặc khu tương lai Phú Quốc.

Vân Phương