Chiều 5-3, phiên toà xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà tiếp tục với phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử (HĐXX) đối với các bị cáo.
Trả lời HĐXX về trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án này với vai trò là chủ đầu tư, bị cáo Nguyễn Văn Khải (57 tuổi, cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) khai, bị cáo kiểm tra ống và phụ kiện theo hợp đồng kinh tế đã ký theo 5 tiêu chuẩn cụ thể.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải.
Về việc đường ống nước bị vỡ 18 lần sau khi tiếp nhận, trong đó kết luận của Bộ Xây dựng chỉ rõ, chỉ có 5 tiêu chuẩn so với 7 tiêu chuẩn quy định, bị cáo Khải cho rằng “Kết luận giám định chưa thật sự thuyết phục. Bởi nếu phân định rạch ròi các bên thì phải tính cả chủ đầu tư, nhà chế tạo sản phẩm, người thiết kế. Ban quản lý dự án Chịu trách nhiệm xây dựng, kiểm soát chất lượng ống. Bị cáo cùng một số bị cáo khác ký 73 biên bản nghiệm thu. Bị cáo khẳng định, 5 yêu cầu là đủ, còn 2 yêu cầu là thiết kế thì phải làm trước”.
Theo bị cáo Khải thì vụ vỡ ống do liên quan nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chứ không đơn thuần là do chất lượng ống. Bị cáo Khải mong muốn tại phiên tòa này sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án chưa làm rõ trong 2 năm qua.
“Bị cáo không dám nói mình oan. Bởi những hành vi cáo trạng nêu bị cáo có làm. Bị cáo mong HĐXX xem xét khách quan nguyên nhân làm vỡ ống. Trong đó có thể là cơ quan giám định chưa chính xác, hoặc có sự nhầm lẫn giữa phần thiết kế và mua sắm như trong cáo trạng nêu”, bị cáo Khải kết thúc phần trình bày.
Bị cáo Trương Trần Hiển (61 tuổi, cựu Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) được thẩm vấn tiếp theo. Bị cáo Hiển khai, có nắm được nội dung biên bản nghiệm thu, hồ sơ kèm theo ống cũng phù hợp với quy định 5 tiêu chuẩn trong hợp đồng đã được ký kết.
Bị cáo Hiển cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến ống dẫn nước vỡ như khâu vật tư, thiết kế, bảo quản, vận chuyển. Sau này kết luận giám định chưa chỉ rõ được các khâu đó mà chỉ tập trung vào chất lượng ống để quy kết là chưa phù hợp. “Hành vi của tôi không sai theo chức năng, nhiệm vụ. Tôi không vi phạm pháp luật. Tôi thấy mình bị oan”, bị cáo Hiển nói.
Bị cáo Trần Cao Bằng (64 tuổi, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), nhà thầu dự án cho rằng, có nhầm lẫn về sự hiểu về thiết bị. Theo giải thích của bị cáo Bằng, mục đích cung cấp các yêu cầu tối thiểu cho ống cốt sợi thủy tinh gồm: thiết kế, sản xuất, áp dụng. Nhà sản xuất phải tiến hành đo lường, phân tích trong quá trình sản xuất sản phẩm. Và để đảm bảo yêu cầu phù hợp các tiêu chuẩn này thì thí nghiệm phải được tiến hành và ra kết quả đảm bảo trước khi đưa vào hợp đồng kinh tế. Bị cáo Bằng cho rằng, kết luận giám định không phù hợp với những tài liệu đã có.
Trả lời HĐXX, bị cáo Vũ Thanh Hải (58 tuổi, cựu Trưởng phòng sản xuất, cựu Quản đốc phân xưởng, cựu Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án không đồng tình với quy kết trong cáo trạng.
Theo bị cáo Hải, quá trình làm trưởng phòng sản xuất, từ tháng 8-2004 đến tháng 12-2005, quá trình này chủ yếu chỉ đạo xây dựng nhà máy, tiếp nhận công nghệ, chạy thử sản phẩm.
“Các bị cáo thực hiện dự án này hướng đến phục vụ dân sinh, chứ các bị cáo không vụ lợi cá nhân. Vấn đề của các bị cáo ở vụ án này là do nhận thức, do trình độ và do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Bị cáo không chối tội, nhưng bị cáo mong HĐXX xem xét khuyết điểm của bị cáo để có phán quyết thấu tình đạt lý”, bị cáo Hải kết thúc phần trình bày.
Bị cáo Hoàng Thế Trung.
Bị cáo Hoàng Thế Trung, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, Hà Nội) cho rằng, cáo trạng có nhiều nội dung chưa đúng, có nhiều điểm sai cần phải làm rõ.
Theo bị cáo Trung, việc cáo trạng quy kết các bị cáo phạm tội đã dựa nhiều vào kết luận giám định của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên kết luận giám định ấy có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Bị cáo Trung cũng đề nghị HĐXX xem xét lại kết luận giám định để có đánh giá khách quan về hành vi của các bị cáo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét