Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

‘Đại chiến’ taxi, cây xăng Nhật Bản và nỗ lực của Chính phủ

Những diễn biến mới đây như “cuộc chiến” taxi hay việc thị trường xăng dầu Việt Nam lần đầu tiên có sự tham gia của một doanh nghiệp Nhật đang đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm, trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


Tại Hội nghị với doanh nghiệp ngày 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hiện dư luận đang quan tâm theo dõi các diễn biến tiếp theo sau khi các xe của một hãng taxi “truyền thống” đeo các băng rôn phản đối Uber và Grab. Bởi trái với mong đợi của hãng taxi này, dư luận tỏ ra ủng hộ các hãng taxi công nghệ. Ngay các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương cũng cho rằng cần thu thập chứng cứ xem việc treo băng rôn này có vi phạm việc cạnh tranh lành mạnh hay không?

Chưa có kết luận cuối cùng, thế nhưng quan điểm khá thống nhất là mặc dù các cơ quan quản lý có thể đang lúng túng, nhưng không thể vì thế mà cấm cản việc ứng dụng công nghệ khi chúng mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng. Thay vì ngăn cản, các doanh nghiệp khác và cả cơ quan quản lý phải thích ứng và bắt kịp những xu hướng công nghệ mới.

Có ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng đuối dần. Nhưng theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều này chưa hẳn đã chính xác. Nói cho đúng hơn, những hạn chế lâu nay của doanh nghiệp Việt Nam chỉ bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và chúng ta buộc phải cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.

Sức ép cạnh tranh rõ ràng đang ngày càng mạnh hơn, không chỉ với các hãng taxi. Mới đây, trạm xăng dầu đầu tiên 100% vốn đầu tư nước ngoài của Idemisu Q8 - một “đại gia” Nhật Bản - đã chính thức được khai trương tại Hà Nội, với lời quảng cáo là bán xăng chính xác đến 0,01 lít.

Mở màn cho kế hoạch khai trương nhiều trạm kinh doanh bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu IQ8 trên lãnh thổ Việt Nam, sự kiện này còn đưa thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước chính thức bước vào cuộc cạnh tranh mới, khi không chỉ có các doanh nghiệp nội với nhau.

Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã hết sức quyết liệt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, về hoàn thiện thể chế kinh tế.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết này, nối tiếp nỗ lực bền bỉ của Chính phủ nhiều năm qua trong việc xây dựng một thể chế kinh tế hiện đại, hội nhập quốc tế, theo các chuẩn mực quốc tế.

Trong chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, theo các tiêu chí về quản trị quốc gia của Ngân hàng Thế giới, tạo bước đột phá về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cùng với đó là những giải pháp rất cụ thể, trong đó được chú ý nhất là việc tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây có thể nói là những “món quà” có ý nghĩa hết sức thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp ngay trước Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay. Còn nhìn xa hơn, thì như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tính bình quân không có ngày nào mà Chính phủ và Thủ tướng không làm việc với doanh nghiệp, về chủ đề doanh nghiệp.

Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã mang lại hiệu quả bước đầu khi theo đánh giá mới đây của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện mạnh mẽ và thăng hạng nhiều bậc.

Thế nhưng để nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn trong thời gian tới, cùng với nỗ lực từ phía Chính phủ, còn rất cần sự nỗ lực của tự thân các doanh nghiệp. Trong đó, điều đầu tiên cần phải xác định rõ: Cạnh tranh là linh hồn của nền kinh tế thị trường. Nếu chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn đủ năng động, sáng tạo để có thể chiến thắng trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới.


Theo Hà Chính/Chinhphu.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét