Bảy học sinh một trường tiểu học ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam, được xác định mắc bệnh bạch hầu, một bé đã tử vong.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, kết quả xét nghiệm sơ bộ cho thấy cả bảy học sinh dương tính với vi khuẩn bệnh bạch hầu. Một bé sáu tuổi được điều trị từ ngày 29/9, đến ngày 1/10 sức khỏe diễn biến xấu nên được chuyển lên tuyến trên cấp cứu, hai ngày sau thì tử vong do biến chứng viêm cơ tim. Sáu học sinh còn lại đang được điều trị tại bệnh viện huyện, sức khỏe tiến triển tốt.
Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Văn cho biết, ngành y tế đang lên kế hoạch tiêm văcxin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em tại huyện Nam Trà My và cả huyện Bắc Trà My. Đây là hai huyện có tỷ lệ trẻ em tiêm văcxin bạch hầu đạt thấp.
Học sinh huyện Tây Giang được tiêm văcxin phòng bạch hầu vào tháng 5. Ảnh: Phước Hiệp.
UBND Quảng Nam cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu. Cơ quan chức năng cần phát hiện sớm ổ dịch tại gia đình và trường học, điều trị kịp thời bệnh nhân nghi ngờ bạch hầu, hạn chế ca bệnh và tử vong.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo việc quan trọng nhất lúc này là cho uống kháng sinh dự phòng với tất cả trường hợp có nguy cơ cao nhiễm bệnh; sau đó tiêm văcxin Td để phòng bệnh.
Viện Pasteur Nha Trang đã cử chuyên gia đến trường tiểu học này để hỗ trợ khống chế dịch bệnh.
Tại Quảng Nam cuối năm 2016, một ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở trường cấp ba huyện Tây Giang khiến hai học sinh tử vong. Tháng 7/2015, một ổ dịch bạch hầu được phát hiện tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, ba người chết.
Hiện nay nhờ tiêm chủng nên số ca bạch hầu trên cả nước không nhiều nhưng vẫn xảy ra rải rác. Vì thế, Cục Y tế dự phòng đề nghị các bác sĩ chú ý biểu hiện bệnh lý ở bệnh nhân để chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời tránh những trường hợp đáng tiếc.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ trường hợp nào chưa có miễn dịch, chưa tiếp xúc với mầm bệnh, chưa tiêm phòng đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch... đều dễ mắc bạch hầu. Đây là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hay người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi. Bệnh lây nhanh trong khu vực dân cư đông đúc, nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị biến chứng dẫn đến tử vong.
Lịch tiêm chủng văcxin DTP hoặc Quinvaxem phòng bạch hầu, trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được hai tháng tuổi.
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất một tháng.
Mũi 3: Sau mũi thứ hai một tháng.
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét