Tại hội nghị, TP.HCM mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào hơn 130 dự án. Trong đó có 116 dự án xã hội hóa về giao thông, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đô thị, giảm ngập nước, công nghiệp, thương mại dịch vụ, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa thể thao; 11 dự án quốc gia về hạ tầng giao thông, giáo dục và y tế; 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm về khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, trường học tiêu chuẩn quốc tế, nhà hát nghệ thuật tổng hợp.
Ông Huỳnh Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, cho biết TPHCM hiện có khoảng 500 chung cư cũ, xuống cấp cần cải tạo, và chính quyền đang xây dựng các chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia tháo dỡ chung cư cũ, xây dựng dựng chung cư mới. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn tham gia lĩnh vực bất động sản của thành phố.
Theo đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc, định hướng phát triển không gian đô thị của TPHCM đến năm 2020 và sau năm 2025 là tập trung kết hợp với đa cực. Theo đó, khu vực nội thành cũ sẽ là trung tâm tổng hợp và mở rộng đa cực về bốn hướng với hai hướng chính về phía Đông và Nam hướng ra biển, hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam...
Theo định hướng giao thông hiện đại, thành phố đã và đang xây dựng 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) và tuyến đường sắt một ray (monorail) với tổng chiều dài gần 220 km. Về định hướng xây dựng các khu đô thị, công nghiệp, dân cư mới sẽ tập trung phát triển khu công nghệ cao (quận 9), khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), khu đô thị mới Nam Sài Gòn, khu đô thị Nam Thanh Đa, khu đô thị Tây Bắc; khu đô thị cảng Hiệp Phước...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hằng năm, thành phố tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và công khai quy trình đối với nhà đầu tư nước ngoài, chú trọng đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét