(Xây dựng) – Với quyết tâm xây dựng đời sống văn hoá mới trong cộng đồng dân cư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Bình quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Những nghi thức truyền thống tốt đẹp vẫn được gìn giữ trong lễ cưới.
Theo đánh giá, những năm qua, tại địa phương: Về việc cưới, phần lớn các đám cưới được thực hiện theo đúng quy định về Luật Hôn nhân và gia đình, các đám cưới đều được đăng ký kết hôn, lễ cưới được đơn giản hoá, không rườm rà kéo dài thời gian gây tốn kém; trong đám cưới không mời thuốc lá, một số đám cưới hạn chế khách mời, số lượng phù hợp, không phô trương; nhiều hủ tục lạc hậu đã được xoá bỏ.
Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi dự lễ cưới trong giờ làm việc giảm rõ rệt. Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành pháp luật an toàn giao thông và trật tự công cộng. Những hủ tục thách cưới, đón dâu hai lần, tảo hôn... hầu như không xảy ra.
Đối với việc tang, các đám tang tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá của từng dân tộc và hoàn cảnh gia đình.
Việc tổ chức phúng viếng đảm bảo trang trọng, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc. Thời gian tổ chức lễ tang thực hiện đúng theo quy định, không dài ngày. Nhiều hủ tục trong đám tang như lăn đường, yểm bùa, khóc mướn... dần được xoá bỏ. Việc tổ chức ăn uống chỉ nội bộ trong gia đình, hiện tượng rắc tiền thật, rải vàng mã, tiền âm phủ đã giảm đáng kể.
Các nghĩa trang đã được xây dựng theo quy hoạch, vị trí đều ở xa khu dân cư, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Việc sử dụng lễ viếng bằng vòng hoa, bức trướng trong đám tang đã giảm đi rất nhiều. Một số nơi đã thực hiện bỏ tiếp thuốc lá trong lễ tang. Các gia đình có người mất đã không tổ chức ăn uống linh đình.
Tuy nhiên, việc cưới, việc tang vẫn còn những hạn chế như tổ chức tang lễ ở nhiều địa phương còn lãng phí, để xảy ra việc dựng lán, nhà bạt, sử dụng loa đài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư, vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Một số nơi vẫn còn đốt nhiều đồ mã, rắc rải vàng mã trên đường đưa tang, để thi hài người quá cố tại gia đình quá thời gian quy định, xây dựng lăng mộ phô trương. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; còn dự tiệc cưới trong giờ hành chính…
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTG ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, hướng tới xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong vấn đề trên. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 264/UBND-VX ngày 02/3/2018 về việc đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu các sở, ngành liên quan hướng dẫn những nghi thức phù hợp nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đề xuất giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những mô hình tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ…
Phát động phong trào quần chúng rộng rãi, nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời ngăn chặn, phê phán những biểu hiện cổ hủ, xa hoa lãng phí, hiếu danh, vụ lợi không phù hợp với yêu cầu của cuộc sống văn minh.
Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác thực hiện góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét