(Xây dựng) – Lợi dụng việc xây dựng nhà tạm cho công nhân, một số đối tượng đã biến một khu nhà lán rộng hàng nghìn m2 làm chợ tại thôn Khê Tang (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mà không hề được cấp giấy phép hoạt động. Mặc dù “khu chợ” nằm ngay sát trụ sở UBND xã và tiếp giáp đường nội đô KĐT Thanh Hà Cienco 5, nhưng trao đổi với phóng viên lãnh đạo UBND xã Cự Khê khẳng định không hề có chợ tạm nào ở đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng được biết, thời gian qua tại thôn Khê Tang, xã Thanh Oai đang tồn tại một khu chợ đầu mối hoạt động “bất hợp pháp”, trước đó tại vị trí chợ này hoạt động UBND huyện Thanh Oai chỉ cho phép xây dựng lán trại cho công nhân xây dựng tại công trường gần đó. Cụ thể, theo văn bản số 69/HĐND&UBND do bà Tố Nga – Chánh Văn phòng huyện Thanh Oai ký ngày 15/12/2017 nêu rõ: “Chỉ được phép xây dựng nhà lán trại ở tạm cho công nhân tại khu đất trống hàng nghìn m2 ngay gần trụ sở UBND xã…”
Vào ngày cuối tuần, đã có sự xuất hiện của một số xe tải chở hàng ra vào chợ để bốc xếp hàng hóa phục vụ cho phiên chợ mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, khoảng sau Tết Nguyên đán 2018 tại khu vực này đã diễn ra một số phiên chợ mua bán thực phẩm, rau, thịt… một số người còn tung tin đây chính là khu chợ đầu mối để tập hợp các khu chợ khác trong thành phố về buôn bán.
Không những thế, bên ngoài khu chợ còn được cắm biển “Chợ xanh Thanh Hà” càng củng cố lòng tin của nhiều người về việc sắp có một khu chợ đầu mối hình thành tại khu vực này. Tuy nhiên khu chợ hoạt động chưa được lâu thì đã phải dỡ biển vì đây là hoạt động trái phép.
Từ Tết nguyên đán 2018, môt số cá nhân đã tự ý xây dựng kiot, cắm biển “Chợ xanh Thanh Hà”. Sau khi có “động” các biển này được tháo dỡ và cất vào một căn phòng trong khu nhà lán.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, đã có một số tiểu thương bị “lừa” bỏ tiền mua ki-ốt tại khu chợ này, mà không hề hay biết khu chợ không hề được cấp phép hoạt động. Ngoài ra một số cá nhân cũng đã tự ý cắm biển, tổ chức cho họp chợ và tự ý “gắn mác” Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội vào nhằm đánh lừa lòng tin người dân là một hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm.
Theo nguồn tin riêng chúng tôi được biết, khoảng thời gian trước Tết, hoạt động mua bán ki-ốt ở đây diễn ra vô cùng sôi nổi, trước những biển hiệu được “phù phép” một số tiểu thương đã thẳng tay xuống tiền mua bán ki-ốt.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng qua điện thoại, ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: Đây là công trình kho tạm của người ta (bên Cienco) xin phép xây dựng nhà lán và kho tạm phục vụ cho công trình thi công khu đô thị chứ ở đây không có chợ. Không hề có chợ nào tên là "Chợ xanh Thanh Hà", chỗ đấy huyện còn có công văn chấp thuận để cho bên Cty người ta xây các khu lán tạm và kho để phục vụ cho thi công khu đô thị.
Ông Phương cũng cho biết: Khi xây dựng các cái lều lán đó thì xã đã đình chỉ thi công, nhưng sau khi Cty người ta có hồ sơ, người ta có báo cáo với Bí thư và Chủ tịch huyện rồi và khi có báo cáo, Chủ tịch đã giao cho Chánh Văn phòng có công văn đồng ý để cho Cty Cienco dựng kho và lán tạm, còn ở đây là không có chợ nào cả. Trên mặt pháp lý chúng tôi quản lý là không có chợ chỉ có lán và kho tạm của Cty Cienco báo cáo xin dựng thôi.
Bên trong khu nhà làn vẫn tấp nập hoạt động buôn bán cá, thực phẩm…(ảnh phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận được sáng ngày 05/03/2018).
Dù phía chính quyền địa phương khẳng định không hề có khu chợ nào được hoạt động tại đây, tuy nhiên bằng những biển bảng mang tên “Chợ xanh Thanh Hà”, ảnh, clip hoạt động mua bán thực phẩm thì có thể cho thấy tại khu này đã diễn ra và đang diễn ra hoạt động của chợ tại khu lán này.
Ai đang âm thầm “bảo kê” cho khu chợ hoạt động, đề nghị UBND huyện Thanh Oai, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho kiểm tra, xử lý nghiêm những hoạt động trái phép tại đây.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét