Theo phản ánh của ông Ngô Đạt Trí, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) nhỏ đang phát triển website để trưng bày sản phẩm, chưa có giá, giỏ hàng, tính năng đặt hàng, tính năng giao dịch trực tuyến, nhưng bị gán tên là website thương mại điện tử và bên kiểm tra bắt buộc DN phải thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương, nếu không sẽ bị phạt tiền.
Ảnh minh họa |
Ông Trí khẳng định đây là một rào cản, gây khó dễ cho các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển. Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Trí đề nghị xem xét, khái niệm website thương mại điện tử (TMĐT) được gán chung cho tất cả các website sản phẩm cơ bản sẽ đi ngược với định nghĩa trên thế giới.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT thì: “website TMĐT bán hàng là website TMĐT do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của mình”. Điều 27 Nghị định này quy định, khi vận hành website TMĐT bán hàng, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương.
Khoản 10 Điều 3 Luật Thương mại quy định: “Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại”.
TMĐT chỉ là một trong các phương thức tiến hành hoạt động thương mại. Thương nhân, tổ chức, cá nhân khi xây dựng website để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, kể cả việc không có chức năng đặt hàng trực tuyến, giỏ hàng, thanh toán… thì họ vẫn đang thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, một phần của hoạt động thương mại với mục đích sinh lợi.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, thương mại ngày càng phát triển dựa trên các ứng dụng công nghệ, website là phương tiện rất hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, dẫn dắt người tiêu dùng tiếp cận với hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, website cũng là phương tiện có tính linh hoạt cao, thông tin dễ xoá dấu vết, cấu trúc thông tin và các tính năng của website có thể dễ dàng thay đổi.
Do đó, yêu cầu của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về nghĩa vụ thông báo của chủ các website TMĐT bán hàng là yêu cầu có tính phổ quát, áp dụng chung đối với mọi loại hình website phục vụ cho hoạt động thương mại, từ website trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ cho đến website có tính năng đặt hàng trực tuyến, không phân biệt cấu trúc của website là đơn giản hay phức tạp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT, chủ sở hữu website TMĐT bán hàng phải thực hiện thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Thủ tục “Thông báo website TMĐT bán hàng” được thực hện trực tuyến cấp độ 4 (cấp độ cao nhất của dịch vụ công trực tuyến) tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương – www.online.gov.vn. Khi tiến hành thông báo, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp địa chỉ website, loại hình website, lĩnh vực kinh doanh/hoạt động, địa chỉ trụ sở và một số thông tin cơ bản khác của chủ sở hữu website.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét